Nam Định: Huyện Vụ Bản tạo động lực phát triển sản phẩm OCOP

Nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về sản phẩm nông sản và các sản phẩm truyền thống, những năm qua, huyện Vụ Bản (Nam Định) đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các xã, thị trấn tích cực đồng hành, hỗ trợ để chủ thể tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.
Sản xuất bánh dẻo cổ truyền tại cơ sở ông Vũ Văn Việt, xã Đại An.

Một trong những hợp tác xã (HTX) tiên phong trong việc xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Vụ Bản là HTX Chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng với sản phẩm “Gạo sạch Bốn Thuận”. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, các thành viên HTX đã tích tụ hơn 50 mẫu ruộng sản xuất tập trung, đồng thời liên kết với một số HTX trong tỉnh thực hiện chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. HTX đã đầu tư hệ thống chế biến gạo hiện đại từ nhà xưởng, dây chuyền xay xát, máy tách màu, máy lau bóng để khép kín quy trình chế biến, loại bỏ tạp chất, lọc sạn, đóng gói,… theo nguyên tắc “Không sử dụng chất bảo quản, không ủ hương liệu, không xát gạo trắng quá, kiểm soát gạo thành phẩm, bảo quản trong kho thoáng mát đúng tiêu chuẩn quy định”. Bởi vậy, sản phẩm “Gạo sạch Bốn Thuận” luôn đảm bảo chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cao. HTX cũng là một trong những đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, hạt giống, quy trình canh tác, bảo quản không hóa chất được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, sản phẩm “Gạo sạch Bốn Thuận” được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2022, HTX được Huyện ủy, UBND huyện và Phòng NN và PTNT tạo điều kiện mở gian hàng tại thị trấn Gôi để quảng bá rộng rãi, đưa sản phẩm gạo sạch chất lượng cao đến với người tiêu dùng. Hiện sản phẩm OCOP “Gạo sạch Bốn Thuận” phục vụ cho bếp ăn của các đơn vị quân đội, công an, các khu công nghiệp với sản lượng cung ứng hơn 100 tấn/tháng và được khách hàng thị trường Hà Nội, Hải Phòng đặc biệt ưa chuộng.

Tháng 10-2023, sản phẩm “Bánh dẻo Minh Phượng” của hộ kinh doanh ông Vũ Văn Việt, xã Đại An được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Với phương châm “Mang hương vị của sự sum họp đến mỗi gia đình Việt Nam”, sản phẩm “Bánh dẻo Minh Phượng” được làm từ gạo nếp, vừng, lạp xưởng với bí quyết riêng của cơ sở tạo ra những chiếc bánh vừa giữ nguyên được hương vị truyền thống bản sắc văn hóa quê hương, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Vũ Văn Việt cho biết: “Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm được “chuẩn” hóa về quy cách từ mẫu mã, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất… khiến khách hàng yên tâm, tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm. Việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn”. Thời gian tới, cơ sở sẽ thực hiện tiếp thị, quảng bá mở rộng thị phần và tiếp cận các thị trường có tiềm năng tại các đô thị lớn trong cả nước, hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Đồng thời xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên facebook, zalo và các hội chợ, triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm do tỉnh, Trung ương tổ chức… nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Cơ sở dự kiến tiếp tục xây dựng các sản phẩm bánh nướng, bánh khảo đạt sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Hàng năm, cơ sở bán ra thị trường hơn chục vạn chiếc bánh dẻo, bánh nướng, bánh khảo, oản…

Xác định xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn và là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Vụ Bản đã ban hành kế hoạch, triển khai hiệu quả, đồng bộ các nội dung Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn. Huyện tăng cường công tác thông tin, truyền thông quảng bá về Chương trình OCOP và sản phẩm OCOP; chủ động hỗ trợ các chủ thể tham gia giới thiệu sản phẩm OCOP tại các huyện, tỉnh lân cận…

Đồng chí Trần Đình Vang, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Vụ Bản cho biết, tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây là cơ sở để hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Với nỗ lực của các chủ thể và sự đồng hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, huyện đã có 26 sản phẩm được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu như: sản phẩm “Trà tươi hương chanh mật ong S24” của Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng (xã Quang Trung); sản phẩm “Khu du lịch sinh thái núi Ngăm” của Chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Nam Hà (xã Minh Tân); sản phẩm “Gà sạch Đăng Khôi” của hộ sản xuất, kinh doanh Trần Đăng Khôi (xã Minh Thuận)…

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, huyện Vụ Bản vẫn còn nhiều khó khăn do: Số lượng hàng hóa đặc trưng của huyện ít; quy mô sản xuất chưa tạo thành hàng hóa tập trung; quy trình chăm sóc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh chưa đồng bộ; chất lượng, mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều; kỹ năng liên kết sản xuất của các chủ thể còn hạn chế… Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp tốt với cơ quan chuyên môn của huyện và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá sản phẩm cấp huyện, tỉnh. Từ đó, nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Báo Nam Định – baonamdinh.vn