Người dân thôn Khe Năm thu hái chè Bát Tiên
Gia đình chị Trần Thị Hạnh, thôn Khe Năm gắn bó với cây chè từ những năm 1970. Chị Hạnh cùng một số hộ trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi từ chè trung du sang giống chè Bát tiên chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Chị Hạnh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, ứng dụng quy trình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP và sản phẩm chè Bát tiên sản xuất đến đâu đều được thu mua theo đơn đặt hàng đến đó. Giống mới, phương pháp mới, tư duy sản xuất mới đã nâng cao giá trị của cây chè; từ đó, tạo nên sự hứng khởi cho những người trồng chè.
Chị Hạnh cho biết: “Chè trung du rất nhiều búp, nhưng đã già cỗi và chất lượng không cao, giá trị kinh tế thấp. Từ khi đưa cây chè Bát tiên vào trồng, hiệu quả rõ rệt hơn. Cùng với đó, người trồng chè trong thôn cũng tham gia vào hợp tác xã, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP nên giá trị cây chè được nâng lên rất nhiều, cuộc sống ấm no nhờ cây chè”.
Từ năm 2006, thực hiện chương trình cải tạo chè trung du bằng giống chè Bát tiên, xã Hưng Khánh có 70 hộ dân tham gia, với diện tích 20ha. Các hộ trồng thử nghiệm được tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, ứng dụng quy trình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy sản phẩm chè Bát tiên sản xuất đến đâu đều được thu mua đến đó, giá chè tăng từ 2-3 lần so với chè trung du.
Từ những mô hình trồng, chế biến chè đảm bảo đúng tiêu chuẩn, xã Hưng Khánh đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Chè Khe Năm có trên 30 thành viên tham gia. Với việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, thời điểm cao nhất mỗi ngày HTX chế biến được trên 2 tạ chè khô.
Nhờ thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất chè VietGAP nên sản phẩm chè của thành viên trong HTX có giá bán cao hơn hẳn so với trước đây.
Với giá dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/kg chè thành phẩm, doanh thu trung bình đạt từ 60 đến 70 triệu đồng/ha/năm. Bắt kịp xu hướng của thị trường nông sản hiện nay là chú trọng đến chất lượng, truy xuất nguồn gốc, HTX Chè Khe Năm đã xây dựng cho mình nhãn hiệu riêng lấy tên là “Trà Bát tiên Hưng Khánh” và được đăng ký tem truy xuất nguồn gốc do HTX là chủ nhãn hiệu.
Đặc biệt vừa qua, được sự hỗ trợ từ Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, HTX chè Khe Năm đã tham gia Dự án: “Phát triển diện tích chè chất lượng cao liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” xã Hưng Khánh, Việt Cường – huyện Trấn Yên, giai đoạn 2021-2023. Tổng kinh phí thực hiện là trên 3,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng, số vốn còn lại là nguồn đối ứng của HTX.
Với nguồn vốn trên, HTX Khe Năm sẽ được hỗ trợ từ khâu đánh giá xác định vùng nguyên liệu hiện có là 25ha, hỗ trợ mua cây giống để trồng mới, trồng thay thế 35ha chè Bát Tiên; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng bảo quản, chế biến chè đến khâu thiết kế mẫu mã, nhãn mác, chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Ông Vũ Văn Hồng – Giám đốc HTX Chè Khe Năm cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ Nghị quyết 69, HTX Chè Khe Năm đã và đang mở rộng diện tích chè, nâng cấp thiết bị, mở rộng nhà xưởng, cũng như tìm thêm thị trường. Thời gian tới, HTX cam kết bao tiêu hết sản phẩm chè cho hội viên, nâng cấp sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao, tiếp tục quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử”.
Chị Hà Thị Nhiều – thôn Tĩnh Hưng, xã Hưng Khánh tâm sự: “Được dự án hỗ trợ trồng chè Bát tiên gia đình chúng tôi đã phá bỏ 0,5ha vườn tạp để trồng chè. Gia đình tôi sẽ chăm sóc tốt diện tích chè này để bảo đảm sản phẩm theo đúng chất lượng cam kết với HTX”.
Thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi đã giúp HTX Chè Khe Năm làm chủ được công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng chè. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tính cạnh tranh tốt.
“Thực hiện dự án: “Phát triển diện tích chè chất lượng cao liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” đã giúp tăng số hộ thành viên HTX lên 90 thành viên, sản lượng chế biến tăng lên khoảng 315 tấn chè búp tươi, tương đương với 65 tấn chè thương phẩm/năm, tăng thêm 10 – 20% giá trị sản phẩm, hình thành mối liên kết lâu dài giữa hộ sản xuất nguyên liệu với HTX”, ông Vũ Văn Hồng – Giám đốc HTX Chè Khe Năm nhấn mạnh.
Hồng Duyên
Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn