Chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay, farmstay đã mở ra cơ hội để gia đình anh Nghênh đầu tư phát triển loại hình du lịch này
Mô hình du lịch homestay được xã Ngọc Thanh xác định là một trong những mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy, cùng với việc tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu Lập Đinh, xã đã lựa chọn xây dựng 2 mô hình du lịch homestay và đề xuất hỗ trợ theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, xã Ngọc Thanh cũng hỗ trợ các hộ gia đình tại thôn Lập Đinh triển khai một số mô hình kinh tế như: Phát triển dịch vụ du lịch ẩm thực, trồng cây dược liệu, trồng cây lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi con đặc sản gắn với du lịch. Theo đồng chí Hoàng Quý Cường, Chủ tịch UBND xã: Với những chính sách hỗ trợ đặc thù xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay, farmstay sẽ tạo cơ hội để người dân có thêm một phần kinh phí thực hiện dự án đầu tư, thuận tiện trong phát triển mô hình; tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã; đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Sán Dìu; phát triển các mô hình kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.
Theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, mỗi mô hình du lịch homestay xây dựng mới tại các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở có quy mô phục vụ từ 15 khách trở lên; hỗ trợ không quá 3 mô hình/Làng văn hóa kiểu mẫu. Đối với loại hình farmstay xây mới có diện tích tối thiểu 0,5ha và có quy mô đầu tư đáp ứng phục vụ từ 30 khách trở lên sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ không quá 2 mô hình/Làng văn hóa kiểu mẫu.
Thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay, farmstay theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tại các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; khảo sát và đề xuất định hướng quy hoạch các tour, tuyến du lịch gắn với di sản văn hóa và làng nghề truyền thống tại các Làng văn hóa kiểu mẫu có lợi thế, điều kiện triển khai thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh; hướng dẫn các mô hình homestay, farmstay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; hỗ trợ đào tạo thuyết minh viên du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; thành lập và duy trì các điểm du lịch cộng đồng có đội văn nghệ quần chúng phục vụ khách du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 4 huyện, thành phố đăng ký xây dựng 14 mô hình phát triển du lịch homestay, farmstay và 1 điểm du lịch cộng đồng tại các Làng văn hóa kiểu mẫu.
Theo ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để triển khai chính sách hỗ trợ đến người dân, thông qua chính quyền địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử cán bộ đến gặp trực tiếp từng hộ dân đăng ký mô hình, hướng dẫn các bước triển khai mô hình kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, chi tiêu của khách du lịch không được cao, nhu cầu du lịch hạn chế, lợi nhuận chưa đạt như mong muốn, nên các hộ gia đình đang tính toán lại phương án đầu tư; quy hoạch lại và đầu tư cầm chừng nhằm giãn tiến độ, để khoảng 2 năm nữa khi nền kinh tế phục hồi sẽ hoàn thiện các dự án, đẩy mạnh phát triển kinh doanh, thu lợi nhuận. Hiện trong 15 mô hình đăng ký, có 2 hộ gia đình tại thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên và thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo đang triển khai bước đầu mô hình du lịch homestay.
Cũng theo ông Dương, việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay, farmstay sẽ giúp các địa phương phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm các nét đẹp văn hóa truyền thống của các địa phương.