Hà Nội: Khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Bát Tràng, Gia Lâm 2023

Tối 15/12, tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Bát Tràng, Gia Lâm 2023.


Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Bát Tràng, Gia Lâm 2023 là sự kiện thứ hai trong chuỗi các sự kiện để quảng bá, giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, làng nghề phục vụ du lịch thuộc Kế hoạch Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Gia Lâm là huyện cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây hội tụ nhiều làng nghề truyền thống với tri thức dân gian được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Huyện Gia Lâm hiện có 5 làng nghề truyền thống (làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng gốm sứ Giang Cao xã Bát Tràng; làng nghề gốm sứ Kim Lan; làng nghề truyền thống dát vàng bạc quỳ và may da Kiêu Kỵ; làng nghề thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp) và 2 làng nghể Hà Nội là Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng, Làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang, xã Dương Xá. Huyện có tổng số 2 nghệ nhân Nhân dân, 9 nghệ nhân Ưu tú ngành thủ công mỹ nghệ được Trung ương công nhận, 52 nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Các nghệ nhân trên đang cùng với Huyện duy trì, phát triển các nghề truyền thống trên địa bàn Huyện.


Các sản phẩm truyền thống làng nghề ngành gốm sứ Bát Tràng được trưng bày tại Triển lãm

Nhắc đến ngành gốm sứ phải kể đến 3 làng nghề gốm sứ nổi tiếng trên địa bàn huyện Gia Lâm gồm: Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan. Hầu hết các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước tạo lên những sản phẩm cầm chắc tay, nặng, lớp men trắng thì thường sẽ trở thành màu ngà hoặc đục, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Còn các sản phẩm gốm Giang Cao nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men màu búp dong, loại men này có độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu. Bên cạnh Bát Tràng, Giang Cao thì gốm Kim Lan là các sản phẩm lại không quá cầu kì về chi tiết mà tạo được sự tiện dụng, thoải mái cho người sử dụng. Với nguồn nguyên liệu, nhân công phần lớn trong nước, nghề gốm đã giúp đời sống người dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư, có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế – xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho lao động, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Bát Tràng, Gia Lâm 2023 được Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức nhằm hỗ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống làng nghề ngành gốm sứ, đồng thời tuyên truyền, kết nối quảng bá các hoạt động trình diễn nghề, trình diễn các quy trình sản xuất tiêu biểu, biểu diễn thực cảnh để quảng bá nghề, sản phẩm nghề truyền thống địa phương nhằm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghề và làng nghề phục vụ du lịch.


Người dân tham quan Triển lãm

Triển lãm diễn ra từ ngày 15/12 đến ngày 17/12/2023 tại Khu triển lãm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thôn 1, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội với quy mô khoảng 2.000m2 gồm Khu trưng bày sản phẩm mới, thiết kế sáng tạo và làng nghề; Khu trưng bày trung tâm và khu gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân ngành gốm sứ trên địa bàn huyện Gia Lâm (tương đương 80 gian hàng tiêu chuẩn). Thông qua Triễn lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo, phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng; từ đó có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Đây sẽ là cơ hội để tạo liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã; kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố.

Thu Hằng
Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội – hanoi.gov.vn