Lai Châu: Tận dụng huy lợi thế đa sắc màu văn hóa vùng đồng bào dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, thời gian qua, Lai Châu đã đầu tư, khai thác lợi thế không gian văn hóa đa sắc màu của 20 dân tộc anh em cùng cảnh quan, môi trường, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực… để phát triển loại hình du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Lai Châu: Tận dụng huy lợi thế đa sắc màu văn hóa vùng đồng bào dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng - Ảnh 1.

Hình minh họa

Phát huy những lợi thế riêng có để Lai Châu phát triển mô hình du lịch cộng đồng

Theo ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu là tỉnh có cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại, những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á, có nhiều điểm du lịch nổi tiếng và có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 20 dân tộc cùng sinh sống.

Để phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030”.

Tại Lai Châu có 16 khu, điểm là làng văn hóa du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Thời gian gần đây, du khách trong và ngoài nước yêu thích trải nghiệm thường tìm đến điểm du lịch cộng đồng ở các xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ), Sì Thâu Chải (Tam Đường), thị trấn Than Uyên (Than Uyên)…

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ, đậm hương vị miền núi của đồng bào DTTS, là những lợi thế riêng có để Lai Châu phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Lai Châu đã tập trung xây dựng và đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng, mỗi điểm đều mang sắc thái và đặc trưng riêng. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế thích tìm về môi trường tự nhiên, hòa mình vào cuộc sống cộng đồng để được trải nghiệm cảm giác 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động”, cũng như tìm hiểu nét đặc sắc trong văn hóa bản địa.

Nổi bật nhất trong các làng du lịch cộng đồng của Lai Châu là bản Sin Suối Hồ có 113 hộ, trong đó có 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay. Trước kia, du khách đến bản chỉ tìm đến địa danh đẹp, thưởng thức các món ăn địa phương và ra về ngay trong ngày.

Ông Phạm Văn Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu cho biết: Trong bản Sin Suối Hồ có hơn 20% hộ dân phát triển du lịch cộng đồng. Người dân ở đây kinh doanh không chạy theo hướng thương mại hóa, mà các sản phẩm được tạo ra từ thiên nhiên, được lưu giữ từ bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Chính những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào đã thu hút du khách đến trải nghiệm.

Cần nhân rộng cách làm du lịch của người dân bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ

Tại buổi Tọa đàm “đánh giá sản phẩm du lịch Lai Châu” do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phối hợp Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức mới đấy, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Hà Nội cho rằng, Ẩm thực rất quan trọng trong phát triển du lịch, vì vậy muốn phát triển du lịch Lai Châu cần chú ý xây dựng và phát triển ẩm thực cổ truyền của địa phương.

Với những kinh nghiệm nhiều năm hoạt động và dành tâm huyết với ngành du lịch, ông Nguyễn Mạnh Thản nhấn mạnh “để du lịch Lai Châu phát triển nhanh và bền vững tỉnh cần có chiến lược và có giải pháp tích cực, đặc biệt là sự đầu tư bài bản cho phát triển du lịch, phát triển các doanh nghiệp du lịch, phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng hành lang tốt để thu hút nhà đầu tư. Với Lai Châu hiện nay có thể tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch trải nghiệm. Để phát triển du lịch, điều quan trọng nhất là đã đến lúc Lai Châu nên thay đổi tư duy, thay đổi hành động để tạo ra những cảm xúc mới và riêng có cho du khách khi đến Lai Châu”.

Còn theo ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Hi Travel, Thành phố Hồ Minh, Lai Châu cần chú trọng thêm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với phát triển vùng sâm Lai Châu; định hướng khách hàng theo hướng nghỉ dưỡng và trị bệnh hoặc thưởng thức các món ăn bổ dưỡng; không nên chú trọng riêng về du lịch tham quan, tự nhiên. Mặt khác, đoạn đường giữa các điểm du lịch xa nhau nhưng lại không có điểm dừng nghỉ để du khách check in, chụp ảnh giới thiệu về Lai Châu; đặc biệt là du lịch cộng đồng còn khó khăn, vì vậy tỉnh cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Mặt khác, Lai Châu cần giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà mang đậm bản sắc dân tộc và nhân rộng cách làm du lịch của người dân bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; Lai Châu cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để nhiều khách du lịch biết đến; cần thay đổi hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng cách tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo; thay đổi tư duy tiếp cận khách hàng. Mặt khác, tỉnh cũng cần có sự liên kết tuyến giao thông, liên kết các giá trị văn hóa với các địa bàn lân cận để tạo các sản phẩm du lịch ấn tượng với du khách.

Bảo Trân

Cổng TTĐT Bộ VHTTDL – bvhttdl.gov.vn