Yên Bái đa dạng hệ thống tiêu thụ sản phẩm OCOP

Bằng nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, đa dạng hệ thống phân phối, kênh tiêu thụ sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái đã xuất hiện ngày càng nhiều và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.
Yen Bai da dang he thong tieu thu san pham OCOP hinh anh 1Hình ảnh một số sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái được quảng bá trên sản giao dịch thương mại điện tử postmart.vn. Ảnh: DTMN

 

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Yên Bái đã cấp chứng nhận cho 227 sản phẩm OCOP; trong đó, có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 206 sản phẩm đạt 3 sao và có nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Từ chương trình này, phần lớn sản phẩm đã được cấp mã vạch, chỉ dẫn địa lý, dán tem truy xuất nguồn gốc, điều đó mang lại một luồng gió mới, mở ra nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, bên cạnh việc không ngừng nâng cao về chất lượng, cải tiến mẫu mã, đa dạng hình thức và sản xuất theo tiêu chuẩn quy định, các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái được đặc biệt quan tâm đến khâu tiếp thị quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Với phương châm đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, mang lại giá trị sử dụng và sự tin tưởng hơn cho người tiêu dùng.

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, thông tin thị trường đã được tỉnh Yên Bái đẩy mạnh, duy trì thường xuyên, liên tục để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu. Qua đó, hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái đã được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến và sử dụng.

Chỉ hơn 2 năm trở lại đây, tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Tập đoàn Viettel kết nối link đăng tải 90 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.voso.vn; phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông kết nối link đăng tải 65 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch TMĐT www.postmart.vn; tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 183 sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đến nay, gần 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Yên Bái với hơn 600 lượt sản phẩm được chào bán trên sàn, gần 20 triệu lượt truy cập trên sàn giao dịch thương mại điện tử Yên Bái.

Tỉnh Yên Bái hỗ trợ doanh nghiệp tham gia 8 hội nghị kết nối giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Bangladesh, Nga, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ nông sản, triển lãm hàng tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Yên Bái chủ động sử dụng các kênh bán hàng truyền thống như đại lý, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống cửa hàng OCOP trên toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái, hiện tại kênh bán hàng truyền thống đang là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ lực, đảm bảo tiêu thụ khối lượng lớn, phục vụ đông đảo người tiêu dùng nội địa. Sản phẩm hàng hóa qua hệ thống siêu thị luôn được kiểm duyệt chặt chẽ về tiêu chuẩn và chất lượng, bảo đảm cung ứng đủ về số lượng và chính xác về thời gian giao hàng.

Những năm gần đây, hệ thống cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên cả nước được hình thành, mang đến sự lựa chọn đa dạng và thuận tiện cho người tiêu dùng hằng ngày.

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho thấy, hơn 30% sản phẩm OCOP được tiêu thụ qua kênh này, bởi đây là kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản đã có uy tín, luôn được người tiêu dùng tin tưởng vì giá cả hợp lý, đảm bảo về xuất xứ, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Cùng với kênh tiêu thụ truyền thống, chủ thể của các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Yên Bái là các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã đã mạnh dạn tìm cách tiếp cận trực tiếp, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua các trang mạng xã hội, như trang Tiktok, Facebook, Zalo, Youtube…; đồng thời, sử dụng nhiều tiện ích bán hàng như thanh toán online, giao hàng tại nhà… để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay, từ những sản phẩm đơn thuần truyền thống được nâng tầm thành sản phẩm OCOP và được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng đón nhận. Điều này cho thấy tính hiệu quả trong quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. Thương hiệu của các sản phẩm OCOP và năng lực sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh Yên Bái cũng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hơn nữa khả năng tiếp thị quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh Yên Bái tập trung định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng liên vùng, liên địa phương tạo ra khối lượng sản phẩm lớn.

Tỉnh Yên Bái sớm xem xét thành lập hiệp hội sản phẩm OCOP để nâng cao hiệu quả quản lý, xúc tiến thương mại và mở rộng hợp tác, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP với các địa phương trên cả nước; đa dạng, kết hợp linh hoạt các hình thức xúc tiến trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến cho các chủ thể sản xuất thuần thục về kỹ năng bán hàng trên sàn; hỗ trợ các chủ thể sản xuất kết nối với các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, điểm bán hàng để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng; tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ số trong xây dựng hồ sơ, quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP và đánh giá phân hạng sản phẩm.

Tiến Khánh

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – dantocmiennui.vn