Chỉ cách Thành phố khoảng 30 km về phía đông, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) là nơi tập trung người Nùng An sinh sống. Đây là một trong số ít dân tộc còn giữ được nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, thể hiện qua lối sống, tính cách cần cù, giản dị, tiết kiệm, sáng tạo, hiện vẫn lưu giữ được nhiều vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: nhà ở, trang phục, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nghề thủ công…
Theo con đường quanh co như dải lụa đi quanh làng, Điểm du lịch cộng đồng dân tộc Nùng An Pác Rằng, xã Phúc Sen hấp dẫn du khách với những nếp nhà sàn thơ mộng ẩn hiện trong làn sương. Tới đây, du khách được đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ với dòng suối trong vắt, mát lạnh chảy ra từ lòng núi đá phía trước làng, thưởng thức các món ăn dân dã do bà con tự sản xuất, được tham quan thực tế quy trình rèn nông cụ và có thể trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp với bà con… Sau bữa cơm chiều, du khách có thể thư giãn ngắm trăng và nghe người già kể câu chuyện ly kỳ về lịch sử lập làng từ xa xưa…
Chị Phạm Thị Lê, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Đến với xóm Pác Rằng, tôi thấy cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, khí hậu trong lành, người dân mến khách, thân thiện, còn lưu giữ nhiều nét văn hóa bản địa. Sau những ngày làm việc mệt mỏi, đây thực sự là nơi giúp gia đình tôi tái tạo sức khỏe và tinh thần hiệu quả.
Từ năm 2009 – 2013, Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng triển khai đầu tư tại xóm Pác Rằng với các hạng mục: Cải tạo gầm nhà sàn, hỗ trợ xây mới chuồng, di dời trâu, bò ra khỏi gầm nhà sàn; xây nhà vệ sinh khép kín, bể bioga composite tận dụng khí đốt; xây dựng trung tâm thông tin, giới thiệu du lịch; đường đi bộ quanh làng, biển chỉ dẫn. Tổ chức dạy thêu thổ cẩm, tham quan học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, thành lập ban quản lý… Ngày 12/4/2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng chính thức được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, trong đó Làng du lịch cộng đồng xóm Pác Rằng, Làng du lịch cộng đồng Phja Thắp, Làng làm giấy bản Dìa Trên (xã Phúc Sen) là 3 trong 6 điểm của huyện Quảng Hòa được công nhận là điểm nằm trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Từ năm 2020 đến nay, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 3 lớp tập huấn với hơn 300 học viên về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Không chỉ Pác Rằng, 11/11 xóm của xã đều có đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ hát dân ca phục vụ khách du lịch.
Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen Đàm Đình Đạo cho biết: Xóm Pác Rằng có 64 hộ, trong đó có 4 – 5 hộ thực hiện mô hình du lịch homestay với đầy đủ hạ tầng cơ sở, dịch vụ lưu trú và ăn uống, các hoạt động trải nghiệm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách. Mỗi tháng Điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng đón khoảng vài trăm lượt khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, cấp ủy, chính quyền địa phương đang định hướng xây dựng không gian lưu trú, đồng thời đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí nhằm giữ chân du khách ở lại lâu hơn.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có các điểm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng đang được khai thác và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống như: Điểm du lịch cộng đồng dân tộc Nùng Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); bản dân tộc Tày Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); bản dân tộc Tày Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa); Làng du lịch cộng đồng dân tộc Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) và một số điểm du lịch tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng như: Bản dân tộc Dao Tiền Nà Chắn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình)…
Giữ gìn phong tục truyền thống tại Làng du lịch cộng đồng dân tộc Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình)
Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tài nguyên sẵn có về văn hóa, thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở du lịch, khuyến khích người dân hợp tác theo hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) được hỗ trợ đầu tư các công trình vệ sinh khép kín, nhà văn hóa, tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống, trò chơi dân gian, tập huấn về du lịch cộng đồng, tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm. Dân tộc Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) được huyện đầu tư hỗ trợ làm đường đi lại trong làng, lựa chọn hỗ trợ xây dựng homestay, nhà văn hóa cộng đồng, bãi đỗ xe, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, hướng dẫn nghiệp vụ du lịch…, xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của huyện đưa vào khai thác du lịch. Người dân xóm Hoài Khao, xã Quang Thành và xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám duy trì làng nghề thủ công in sáp ong; người Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) duy trì nghề thêu thổ cẩm vừa đa dạng sản phẩm du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống của dân tộc, thu hút du khách tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa. Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) được đầu tư nhà văn hóa cộng đồng theo kiến trúc của người Tày, xây cầu vào làng, hỗ trợ 14 hộ gia đình xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, lối đi… Được lựa chọn là một trong các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Khuổi Ky tiếp tục được đầu tư biển chỉ dẫn, bảng thuyết minh, hỗ trợ công tác quảng bá. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và huyện Thạch An đang tiến hành các nấc bước xây dựng xóm Ka Liệng, xã Thụy Hùng (địa điểm duy nhất trên địa bàn tỉnh tập trung 100% người Mông đen sinh sống) thành điểm dừng chân cho du khách, tiến tới phát triển thành điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa người Mông đen.
Dạ Đăng
Báo Cao Bằng điện tử – baocaobang.vn