Sau 1 năm phối hợp với Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành làm du lịch trải nghiệm. Vườn cây ăn trái diện tích trên 3.500 mét vuông, trên 500 gốc bưởi da xanh, mít sum xuê của gia đình anh Nguyễn Diên Thọ đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức.
Anh Thọ rất vui vì không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, trải nghiệm cuộc sống nhà nông mà việc phát triển du lịch cộng đồng cũng tăng thu nhập đáng kể cho gia đình, thay đổi rõ nét cách làm nông nghiệp ở địa phương.
Ông Nguyễn Diên Thọ, xã Hành Nhân, Nghĩa Hành cho biết: Trước đây mình muốn bán trái cây thì mình bán cho thương lái nhưng từ khi làm du lịch cộng đồng thì bán trực tiếp tại vườn, mình cũng bán bằng giá thị trường nhưng khách đến hài lòng, trải nghiệm nâng cao tầm sản phẩm, sản phẩm mình làm ra chủ yếu là sản phẩm hữu cơ nên rất được ưa chuộng. Ngoài ra mình có thể thu thêm tiền vườn, mỗi đoàn khoảng vài trăm, tuy không nhiều nhưng là động lực để mình phát triển cây ăn trái gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.
Em Phạm Xuân Thảo (9 tuổi) ở thành phố Quảng Ngãi vui vẻ nói: Lần đầu tiên con đến vườn bưởi đây, con thấy rất là vui vì đã được tham quan cùng các bạn, các cô, các chú, con mong mai mốt thầy cô dẫn con tới đây tham quan nữa.
Ông Ngô Tài, thôn Tân Lập, xã Hành Nhân cho biết: Các loại cây trái ở vườn đều được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, chăm bón theo quy trình an toàn sinh học, được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ mạnh. Anh cho rằng: Từ khi sản phẩm của địa phương và của gia đình được công nhận sản phẩm OCOP thì Hợp tác xã nông nghiệp Hành Nhân tới mua trực tiếp sản phẩm theo giá cả và mình ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm thỏa đáng, thuận lợi, tạo điều kiện cho mình phát triển và mình yên tâm giá cả đầu ra, mình tập trung sao sản phẩm chất lượng đạt theo kỹ thuật hướng dẫn.
Huyện Nghĩa Hành có gần 800 ha cây ăn trái chủ yếu là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, chuối ngự. Đây là những loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định 200 triệu đồng/ha/năm.
Khi 4 sản phẩm trái cây chủ lực chuối ngự, chôm chôm – sầu riêng – bưởi da xanh được công nhận nhãn hiệu, đạt sản phẩm OCOP 3 sao, gắn với phát triển du lịch cộng đồng; thì giá trị thu nhập một ha cây ăn quả tăng lên 20%.
Trái cây Nghĩa Hành được bán ở các cửa hàng OCOP, cửa hàng sạch, siêu thị, trên sàn thương mại điện tử.
Ông Lê Quang Nhu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết: Huyện tập trung chỉ đạo các địa phương cho chủ nhà vườn tiếp tục trồng thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện tiếp tục đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử quảng bá hình ảnh trái cây Nghĩa Hành thông qua chương trình khuyến nông, thông qua du lịch cộng đồng ở địa phương. Bên cạnh đó, huyện tập trung hướng dẫn cho hộ dân đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm để kháng hàng biết đến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao sản phẩm trái cây Nghĩa Hành trong thời gian đến.
Huyện Nghĩa Hành có kế hoạch phát triển diện tích cây ăn trái lên 1.000 ha vào năm 2025; ngoài tiếp tục hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, đầu tư đồng bộ hạ tầng cho vùng chuyên canh cây ăn trái, thì nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu trái cây Nghĩa Hành là tiền đề để mở rộng thị trường và hướng đến xuất khẩu.
Bích Loan, Ngọc Diệu
Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ngãi – quangngai.gov.vn