Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(TITC) – Vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL) nhằm khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù được ưu tiên phát triển cấp quốc gia bao gồm: Du lịch tham quan trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa tại các địa bàn Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An theo tuyến đường sông; Phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu; Trải nghiệm các giá trị văn hóa tiêu biểu vùng ĐBSCL trên địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và An Giang.

Hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng bao gồm: Du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc; Du lịch tham quan cảnh quan Hà Tiên; Du lịch trải nghiệm cảnh quan sông Vàm Cỏ gắn với các điểm du lịch cuối tuần và vui chơi giải trí.

Đồng thời hình thành các sản phẩm du lịch có giá trị đặc thù cao để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể, sẽ cải tạo, nâng cấp các hạng mục và yếu tố hình thành sản phẩm du lịch đặc thù như: hệ thống tàu thuyền, cơ sở hạ tầng và hệ thống thu gom rác thải…; tuyên truyền, bảo tồn văn hóa truyền thống trong cộng đồng; đào tạo kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách; hỗ trợ trang thiết bị; xây dựng các khu bảo tàng, không gian văn hóa đặc trưng tại các địa phương; quy hoạch lại hệ thống miệt vườn… Hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm đặc thù để kết nối sản phẩm du lịch của các địa phương trong vùng như các tuyến du lịch trải nghiệm sông nước tìm hiểu cuộc sống, văn hóa người dân ven sông; du lịch sinh thái, tìm hiểu đa dạng sinh thái vùng đất ngập nước ven biển; du lịch tìm hiểu các di sản văn hóa.

Về thị trường, du lịch vùng ĐBSCL hướng tới thị trường khách quốc tế gồm Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tượng khách nội địa đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung.

Để thực hiện các dự án của vùng, một Ban điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL sẽ được thành lập; đồng thời tăng cường liên kết phát triển sản phẩm trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của từng địa phương, xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá điểm đến, đào tạo nhân lực du lịch, phát triển hạ tầng, và xây dựng chính sách đặc thù cho phát triển sản phẩm du lịch trong vùng.

TITC