Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại biểu, là các nhà khoa học, học giả nghiên cứu văn hóa quốc tế và trong nước: Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Đại học Vân Nam, Đại học Quảng Tây, Đại học Kinh tế Vân Nam (Trung Quốc) và lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Lai Châu; các nhóm hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở Tân Lạc (Hòa Bình), Bảo Yên (Lào Cai) và huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh)…
Khai mạc hội thảo, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lào Cai khẳng định: Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, độc đáo về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan, hệ sinh thái, có giá trị và sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Tuy nhiên, cũng giống như các tỉnh khác trong khu vực Tây Bắc, mặc dù được thiên nhiên ban tặng tài nguyên du lịch phong phú nhưng du lịch Lào Cai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, cơ sở lưu trú, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống. Năm 2017, Lào Cai là tỉnh đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia – một sự kiện du lịch lớn và uy tín nhất của Việt Nam. Đây là một cơ hội nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với Lào Cai và các tỉnh trong khu vực trong việc tận dụng cơ hội để đầu tư, phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh du lịch tới du khách trong và ngoài nước. Do vậy, thông qua hội thảo khoa học lần này, tỉnh Lào Cai mong mốn được nghe những ý kiến để tổ chức tốt Năm du lịch quốc gia 2017, hiến kế để Lào Cai, Tây Bắc sớm trở thành Vùng du lịch độc đáo và hấp dẫn của Việt nam.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian cho rằng: Hội thảo khoa học lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tập hợp ý kiến quý báu của các chuyên gia, các học giả trong và ngoài nước đối với việc phát triển du lịch sinh thái và liên kết phát triển du lịch trong khu vực.
Học giả trình bày tham luận chuyên đề về du lịch sinh thái nhân văn vùng Tây Bắc.
Thông qua hội thảo, đề xuất các nhóm giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn di sản văn hóa truyền thống và bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực Tây Bắc; hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch nhằm nâng cao kỹ năng và nhận thức, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Bắc…
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, các đại biểu và đại diện các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng đã tham luận, đóng góp ý kiến trong việc tăng cường quảng bá liên kết phát triển du lịch sinh thái vùng Tây Bắc.
Lê Thanh Cường