Vĩnh Phúc: Tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang tạo luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng, khẳng định thương hiệu cho nông sản địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ một số hạn chế, nhất là khó khăn trong khâu tiêu thụ cũng như xây dựng thương hiệu. Thực tế trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài để gỡ khó đầu ra cho sản phẩm OCOP, đưa chương trình đi vào chiều sâu, gia tăng giá trị lớn, có sức cạnh tranh cao.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 140 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng, trong đó có 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 106 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Thông qua Chương trình OCOP, nhiều mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn được triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm đặc trưng, truyền thống của tỉnh có điều kiện phát triển theo đúng quy chuẩn, được tiêu thụ rộng khắp cả nước và vào các kênh phân phối hiện đại như chuỗi cửa hàng tiện lợi, các siêu thị và nhiều sàn thương mại điện tử lớn, có uy tín và doanh thu ổn định trên thị trường như: Nấm đông trùng hạ thảo Tam Đảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo; nấm đùi gà của Công ty TNHH Nấm Phùng Gia; mật ong và các sản phẩm chế biến từ mật ong của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo; mỳ thanh long của Hợp tác xã Sản xuất thương mại và dịch vụ nông, lâm, thủy sản Lộc Thúy Quỳnh… Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Tham dự các hội chợ, triển lãm là cơ hội để thương hiệu Đồng Gia Food đến gần hơn với người tiêu dùng

Dù đã và đang mang lại nhiều chuyển biến tích cực, song việc xây dựng thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần sớm khơi thông. Cụ thể, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa bền vững; một số chủ thể khi tham gia chương trình chưa chủ động tập trung chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nguyên nhân được xác định là do các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh mới chỉ tập trung vào hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… mà chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng và phát triển sản phẩm. Mặt khác, tiềm lực tài chính, năng lực tổ chức, quản trị chế biến, xây dựng chiến lược kinh doanh của nhiều chủ thể OCOP còn hạn chế, dẫn đến thiếu chủ động trong việc nâng sao OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2019 nhưng đến nay, sản phẩm tương nếp Thủy Phương của Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến lương thực – thực phẩm sạch Thủy Phương, huyện Lập Thạch vẫn còn hạn chế về đầu ra, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, chưa tiếp cận được thị trường lớn. Chia sẻ về những khó khăn khó khăn trong định vị thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, chị Khương Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến lương thực – thực phẩm sạch Thủy Phương cho biết: “Để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì sản phẩm tốt là chưa đủ, cần phải đầu tư đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến xây dựng chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, quy trình sản xuất của hợp tác xã hiện vẫn mang tính thủ công, thành viên xuất phát là những người làm nông, chưa có kinh nghiệm quản trị, tư duy về thị trường hạn chế. Hơn nữa, hợp tác xã cũng gặp một số khó khăn về nguồn vốn nên sản phẩm OCOP chưa xây dựng được thương hiệu, vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường”.

Để khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp căn cơ, mang tính định hướng lâu dài. Trong đó, tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP có mặt tại các gian hàng trưng bày tại các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá, kinh doanh sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử. Tiếp theo là tập trung công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các chủ thể; xây dựng, đề nghị ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về quảng bá sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu sản phẩm; hợp tác với các tỉnh, thành trong nước và các nước triển khai Chương trình OCOP để trao đổi kinh nghiệm và quảng bá, bán, xuất khẩu các sản phẩm OCOP đến các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Đáng chú ý, cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 51 về “Hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” với mức hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu và hỗ trợ 1 lần chi phí in ấn tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản phẩm OCOP đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh, giúp các sản phẩm OCOP có sức hấp dẫn hơn với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn.

Là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình OCOP, những năm qua, các sản phẩm đặc trưng của huyện Tam Đảo không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 25 sản phẩm OCOP được đánh giá đạt chất lượng 4 sao và 3 sao. Được “gắn sao” OCOP, các sản phẩm đều có thêm cơ hội xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tại Trung tâm Giao dịch giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc, các gian hàng giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP, hội chợ triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người dân địa phương và đông đảo du khách gần xa, đưa Chương trình OCOP ngày càng đi vào chiều sâu, chuyển từ “lượng” sang “chất”, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân, thời gian tới, huyện Tam Đảo tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức; phát triển cửa hàng, điểm bán hàng OCOP để giới thiệu và bán các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP ra nước ngoài. Cùng với đó, khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại quảng trường trung tâm thị trấn Tam Đảo, khu danh thắng Tây Thiên, các hội chợ, triển lãm…; tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.com.vn hay lập fanpage, website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội…

Không đứng ngoài cuộc, nhiều chủ thể đã tích cực, chủ động xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP bằng cách tiếp tục cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP mới và nâng sao các sản phẩm đã có. Trong đó, phải kể đến những nỗ lực của Công ty TNHH thực phẩm Đồng Gia. Chị Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc công ty cho biết: “Từ chỗ chỉ sản xuất sản phẩm nem thính tươi, đến nay, công ty đã nghiên cứu và cho ra mắt 11 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh, gồm nem thính tươi, nem thính bùi, nem chua tươi. Để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền Tổ quốc, công ty đã đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, các hội chợ trưng bày giới thiệu sản phẩm do các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức. Nhờ chiến lược kinh doanh xây dựng thương hiệu bằng uy tín và chất lượng trên mỗi sản phẩm, đến nay, các sản phẩm mang thương hiệu Đồng Gia Food đã chiếm trọn niềm tin của nhiều khách hàng, có mặt ở nhiều trạm dừng nghỉ, điểm bán hàng OCOP, hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh tỉnh cũng như một số tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên. Trung bình mỗi ngày, công ty cung cấp ra thị trường từ 400 – 700 quả nem và 100 kg giò; doanh thu bình quân đạt 6 – 7 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định. Hướng tới mục tiêu đưa thương hiệu Đồng Gia Food vươn ra thị trường thế giới, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra mắt những sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội, đầu tư nhân lực cho bộ phận marketing…”.

Phùng Hải

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc – vinhphuc.gov.vn