Vĩnh Phúc: Tam Đảo phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch

Phát triển nông thôn mới toàn diện, gắn kết với phát triển du lịch là quan điểm xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), trọng tâm là cung cấp cho thị trường các sản phẩm nông sản, thực phẩm và sản phẩm quà tặng, hỗ trợ nông dân làm du lịch.
Ông Trịnh Hoàng Trọng (bên phải) chăm sóc nho thân gỗ và trà hoa vàng.

Huyện Tam Đảo xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh đang phấn đấu trở thành thị xã với nền kinh tế dựa trên du lịch, dịch vụ, thương mại.

Địa phương này có đến 60% diện tích là rừng núi, nhiều khu vực là rừng đặc dụng không có người ở. Người dân tộc thiểu số chiếm 42% dân số toàn huyện.

Tỉnh Vĩnh Phúc định hướng không đặt nhà máy, khu công nghiệp ở Tam Đảo để bảo vệ cảnh quan và môi trường.

Đến nay, Tam Đảo có 3 thị trấn là Đại Đình, Hợp Châu và thị trấn du lịch Tam Đảo trên núi. Vùng nông thôn Tam Đảo xen ghép với sân golf, các biệt thự, khu du lịch và chỉ chờ thời cơ bứt phá lên đô thị. Nhiều vùng trồng lúa đã được quy hoạch làm sân golf, khu đô thị.

Tam Đảo liền kề các khu công nghiệp nên người dân không thiếu việc làm. Nông dân Tam Đảo cũng không mặn mà với trồng lúa, hoa màu vì giá trị hàng hóa thấp. Nhiều nông dân các xã Minh Quang, Tam Quan, Hồ Sơn, thị trấn Đại Đình cho người khác mượn ruộng sản xuất, hoặc cho thuê đất trồng trọt.

Trang trại nho Hạ Đen của bà Nguyễn Thị Hương.

Một số nông dân chuyển sang làm thương mại, dịch vụ hoặc vừa làm công nhân, vừa làm ruộng. Nhiều nông dân tại địa phương đã nghĩ đến việc sản xuất các loại nông sản, thực phẩm và sản phẩm quà tặng để phục vụ du khách.

Trong những ngày lễ hội Tây Thiên diễn ra tại thị trấn Đại Đình năm 2023, có đến gần 400 sạp hàng của bà con nông dân dưới chân dãy Tam Đảo phục vụ du khách, cung cấp nhiều sản vật thôn quê.

Tuy nhiên, khi hết hội thì hàng quán cũng trở nên thưa thớt vì lượng khách giảm mạnh. Người dân thị trấn Đại Đình hy vọng, khu du lịch Tam Đảo 2 sớm được xây dựng để bà con vừa có thể làm nông nghiệp, vừa làm du lịch để có thêm thu nhập.

Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025, tất cả 6 xã của huyện Tam Đảo đều đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 25 thôn đạt tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 xã Hồ Sơn, Bồ Lý và Yên Dương đạt nông thôn mới nâng cao.

Ông Lưu Đức Long, Bí thư Huyện ủy cho biết: Huyện ủy Tam Đảo định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với phát triển du lịch. Quy hoạch chung các xã, thị trấn, quy hoạch phát triển nông nghiệp đều hướng đến phục vụ phát triển du lịch. Các đồ án quy hoạch của huyện, xã sẽ được công khai để người dân Tam Đảo biết và tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất sang công nghiệp xanh.

Tam Đảo có sản phẩm rau su su được khách du lịch rất ưa thích. Toàn huyện đâu đâu cũng trồng su su. Xã Hồ Sơn hiện là thủ phủ của loại rau ăn ngọn này với tổng diện tích 80ha, trong đó có 40ha trồng tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lưu Văn Minh mong đợi: Khi đường vành đai 5 kết nối Tam Đảo với Hà Nội hoàn thành, cả một dải chân núi sẽ mở ra các dịch vụ du lịch. Nhân dân trong xã có thể khai thác tiềm năng du lịch của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, hồ Làng Hà và thung lũng Chắt Dậu. Sản xuất nông nghiệp của xã sẽ có động lực phát triển tốt hơn.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo.

Đến nay, Tam Đảo đã có một số sản phẩm quà tặng du lịch được biết đến rộng rãi.

Ông Phạm Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện điểm lại một số sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: Đó là hoa trà hoa vàng và trà túi lọc của Công ty trách nhiệm hữu hạn Trà hoa vàng Tam Đảo, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; nấm sò và đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo; tinh bột nghệ và viên tinh bột nghệ mật ong rừng của Công ty cổ phần Công nghệ và Trà xanh Tam Đảo; sữa chua và bánh sữa của Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo …

Tổng cộng toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP do các công ty, hợp tác xã sản xuất. Bên cạnh đó, nông dân Tam Đảo còn cung cấp cho thị trường những sản phẩm “cây nhà lá vườn” khác như quả na, dứa ở các xã Bồ Lý, Đạo Trù; măng ớt ở Đại Đình, Tam Quan; bánh cuốn Tam Đảo; lợn rừng, gà đồi …

Gần đây huyện Tam Đảo tổ chức các điểm bán hàng, giới thiệu sản vật địa phương tại thị trấn du lịch Tam Đảo, trên đường lên Tam Đảo và tại Khu danh thắng Tây Thiên. Nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng đất Tam Đảo được du khách chọn mua vì mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý.

Du lịch trang trại cũng manh nha phát triển. Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo giới thiệu một số mô hình nhà vườn, trang trại đang thu hút khách du lịch: Đó là vườn nho thân gỗ và trà hoa vàng của ông Trịnh Hoàng Trọng ở xã Tam Quan, trang trại nho Hạ Đen và dâu tây của bà Nguyễn Thị Hương ở xã Hồ Sơn. Đến những địa điểm này, du khách được tham quan vườn và tha hồ thưởng thức trái cây tại chỗ.

Du khách cũng có thể mua các sản phẩm nông nghiệp tại vườn với giá phải chăng. Những cây nho thân gỗ và cây trà lâu năm của ông Trọng có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, được nhiều người ở địa phương khác đến tìm mua. Còn nho và dâu tây của bà Hương được thương lái thu mua ngay tại vườn. Mô hình nhà vườn-trang trại gắn với du lịch dưới chân dãy Tam Đảo đang cần kích cầu để nhân rộng.

Vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trong đó có nội dung hỗ trợ người dân phát triển các mô hình du lịch nông thôn như homestay, farmstay. Cụ thể là hỗ trợ 300 triệu đồng đối với mỗi mô hình farmstay; 100 triệu đồng đối với mỗi mô hình homestay; hỗ trợ 300 triệu đồng đối với mỗi mô hình du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng mô hình vườn sản xuất.

Nông dân Tam Đảo đang mong chờ những chính sách này để phát triển du lịch hiệu quả hơn.

Hà Hồng Hà
Báo Nhân dân điện tử – nhandan.vn