Vĩnh Phúc: Phát triển sản phẩm OCOP ở các xã miền núi

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo động lực và phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai, đa dạng các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, thay đổi tư duy sản xuất của người dân tại các địa phương còn khó khăn.


Sản phẩm OCOP 4 – Nấm đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận. Ảnh: Kim Ly

Năm 2023, sản phẩm cá thính của cơ sở kinh doanh cá thính Lan Anh, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Ninh Bình, Lào Cai…

Chị Trần Thị Lan Anh, chủ cơ sở cá thính Lan Anh cho biết: “Trong quá trình sản xuất sản phẩm cá thính, tôi luôn chú trọng lựa chọn nguyên liệu tươi ngon. Các công đoạn chế biến đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các sản phẩm cá thính thành phẩm đều được dán tem nhãn, có mã truy xuất nguồn gốc, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm, được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ được kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã giúp khách hàng càng ngày càng tin tưởng, yên tâm về chất lượng của sản phẩm”.

Cùng với sản phẩm cá thính Lan Anh, hiện nay, huyện Lập Thạch có 11 sản phẩm của 8 chủ thể được công nhận, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao gồm: Dấm cao cấp Thủy Phương (xã Tiên Lữ); xúc xích thảo quế Bình Minh, giò lụa thảo quế, thịt lợn thảo quế Bình Minh (xã Bàn Giản); thanh long Thành Hưng (xã Vân Trục); bánh gạo rang Tiên Lữ (xã Tiên Lữ)…

Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Lập Thạch Nguyễn Huy Lập cho biết: Năm 2024, huyện Lập Thạch tiếp tục thực hiện công tác đánh giá, phân hạng 10 sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.

Thông qua việc đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện sản xuất các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, đặc biệt là tại các xã miền núi còn khó khăn, tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tại huyện miền núi Tam Đảo, hiện nay, nhiều sản phẩm dược liệu, sản phẩm nông nghiệp, đồ uống có chất lượng cao đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, điển hình như trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo, hoa trà hoa vàng Tam Đảo (xã Tam Quan); rượu ba kích Tam Đảo, sâm cau, rượu đông trùng hạ thảo với ba kích Tam Đảo, rượu gạo nếp (xã Hồ Sơn); đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo Tam Đảo ký chủ nhộng trường thọ (thị trấn Hợp Châu)…

Cùng với phương thức bán hàng truyền thống, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP cũng đẩy mạnh phương thức bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, tiếp cận đa dạng các đối tượng khách hàng.

Anh Nguyễn Đức Độ, Giám đốc Công ty TNHH Trà hoa vàng, xã Tam Quan cho biết: “Hiện nay, công ty có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao là trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo và hoa trà hoa vàng Tam Đảo được phân phối trên nhiều kênh bán hàng như website của công ty, zalo, facebook và các sàn thương mại điện tử.

Nhờ đạt được chứng nhận OCOP, niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm của công ty ngày càng được nâng lên. Tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm đã giúp công ty nhìn nhận, đánh giá, hoàn thiện sản phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm và phát triển sản phẩm mới để phục vụ người tiêu dùng, từ đó mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.

Các cơ chế, chính sách của tỉnh đã giúp những địa phương khu vực nông thôn, miền núi phát huy tiềm năng, lợi thế, đa dạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Nhiều chủ thể sản xuất chưa chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất, còn thiếu nguồn lực để đầu tư dây chuyền, trang thiết bị quy mô lớn. Một số sản phẩm có mẫu mã bao bì chưa bắt mắt, chưa đẩy mạnh công tác quảng bá nên sản lượng tiêu thụ còn khiêm tốn.

Nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP tại các xã miền núi, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng sản phẩm, khuyến khích cơ sở sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ, gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch.

Đặc biệt, năm 2023 tỉnh đã ban hành Quyết định số 51 về việc hỗ trợ triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận đạt chất lượng từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP với mức hỗ trợ theo hóa đơn thực tế và tối đa không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu; hỗ trợ chi phí in ấn tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm theo hình thức hỗ trợ 1 lần/sản phẩm.

Cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh sẽ tạo động lực thúc đẩy việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng đa dạng, phong phú, thúc đẩy KT-XH ngày càng phát triển.

Quỳnh Hương
Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn