Vĩnh Phúc: Phát huy lợi thế các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP

Bên cạnh việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm tới việc phát triển các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, nhằm mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, hoạt động của các điểm giới thiệu sản phẩm này vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu tại Trung tâm Giao dịch giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc từ đó có thêm kênh quảng bá, bán hàng hiệu quả. Ảnh: Thế Hùng

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã và đang tạo một luồng gió mới trong phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, thu hút sự tham gia của các cấp ngành, địa phương, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong tỉnh, góp phần khơi dậy tiềm năng và khẳng định thương hiệu cho nông sản địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 140 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng, trong đó 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 106 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Với mong muốn đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, bên cạnh việc tổ chức tham gia các hội chợ OCOP do Trung tâm xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các tỉnh, thành phố tổ chức, nhiều điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP đã được xây dựng.

Năm 2022, Sở NN&PTNT đã khai trương đưa vào hoạt động 2 gian hàng giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP tại Trạm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông, xã Kim Long (Tam Dương) và Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, xã Hợp Thịnh (Tam Dương).

Trước đó, Trung tâm Giao dịch giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc được khai trương cuối năm 2019 của Hội Nông dân tỉnh là 1 trong những điểm trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP có tiếng của tỉnh.

Ngoài ra, hằng năm, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cũng triển khai từ 8 -10 điểm giới thiệu và bán hàng lưu động tại trung tâm các huyện, các chợ, siêu thị, chung cư, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Sự xuất hiện của các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP này được kỳ vọng sẽ tạo thêm cầu nối giúp các đối tác dễ dàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm để chủ động liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Đồng thời quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến đông đảo người dân và du khách; giúp người tiêu dùng có thêm địa chỉ tin cậy để mua sắm các sản phẩm OCOP chính hãng.

Tuy nhiên, sau thời gian, hoạt động của một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, có điểm thường xuyên trong tình trạng vắng khách.

Là một trong những chủ thể sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh, chị Kim Thị Tân, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý (Tam Đảo) cho biết: “Trong số 3 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh, hiện chúng tôi chỉ bày bán duy nhất tại Trung tâm Giao dịch giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề của Hội Nông dân tỉnh nhưng sản lượng tiêu thụ qua kênh này chưa tốt, tháng cao điểm doanh thu cũng chỉ khoảng vài chục triệu đồng”.

Trong khi các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP được hỗ trợ từ ngân sách chưa phát huy được hết lợi thế vốn có, nhiều mô hình kinh doanh sản phẩm OCOP do tư nhân đầu tư dù phải chịu nhiều áp lực về chi phí đầu tư, phí thuê điểm, nhân viên… vẫn duy trì, phát triển tốt.

Bà Âu Thị Kim Phượng, Giám đốc Công ty cổ phẩm chế biến nông sản Minh Phúc An (Tam Đảo), 1 trong những chủ đầu tư của điểm bán hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trước cửa Siêu thị Go! Vĩnh Phúc cho biết:

“Để cửa hàng hoạt động có hiệu quả, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định phải mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Không chỉ cần đa dạng hóa sản phẩm mà không gian mua sắm cũng cần phải có sự khác biệt, bố trí hàng hóa khoa học, đẹp mắt.

Đặc biệt là nhân viên phục vụ ngoài sự nhiệt tình, còn phải có chuyên môn nhất định, có sự am hiểu về từng sản phẩm để tư vấn cho khách hàng”.

Mặc dù mới chỉ đi vào hoạt động đầu năm 2024, song điểm bán hàng này đã cho thấy những kết quả tích cực, với lượng khách hàng ngày càng được mở rộng. Hiện công ty đang lên kế hoạch kết nối với một số đơn vị để mở thêm một cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Tam Đảo.

Cùng với công tác tuyên truyền, nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm OCOP đang ngày càng tăng lên cùng với đó là hệ sinh thái sản phẩm OCOP trong tỉnh ngày càng đa đạng. Do đó, những cửa hàng, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP hoàn toàn có dư địa phát triển.

Để duy trì vận hành tốt, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, các cửa hàng này cần phải chủ động, linh hoạt động xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

Đồng thời phải xác định rõ, nhà nước chỉ là bệ đỡ, hỗ trợ cho quảng bá sản phẩm OCOP. Song song các cửa hàng sản phẩm OCOP của tỉnh, các chủ thể OCOP cũng cần chủ động kinh phí, liên kết với nhau để xây dựng hạ tầng trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm và trực tiếp quản lý.

Nguyễn Hường

Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn