Vĩnh Phúc: Khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch nông thôn

Cùng với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), và khai thác tiềm năng, lợi thế cảnh quan thiên nhiên đặc sắc ở nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua đã có một số cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, đem lại hiệu quả. Để khai thác có hiệu quả, phát triển du lịch nông thôn bền vững, tương xứng với tiềm năng sẵn có của tỉnh trong thời gian tới vẫn còn nhiều việc phải làm.


Đến khu nghỉ dưỡng camping EnCamp, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên), du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động như chèo thuyền Kayak, cắm trại…

Không phải là cá nhân tiên phong làm nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm trên địa bàn tỉnh nhưng mô hình khám phá nông trại sạch của thanh niên Trần Duy Đoan, ở xã Nhân Đạo (Sông Lô) được khá nhiều người biết đến, lựa chọn và khẳng định hiệu quả, bởi vừa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, khám phá, tận tay thu hái quả tại vườn của du khách vừa mang lại lợi nhuận cho người làm nông nghiệp, đi đúng với chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Sau gần 3 năm bắt tay đầu tư xây dựng các khu nhà kính công nghệ cao; thiết kế khu thăm quan học tập, đến nay nông trại này đã có đầy đủ các loại cây ăn quả vốn được xem là khó trồng, không phù hợp với đặc điểm khí hậu ở địa phương với hơn 2.000 gốc nho các loại, 2.000 gốc dưa lưới ichiba và gần 1.500 gốc dâu tây.

Anh Đoan cho biết: Ngoài lợi nhuận thu được từ việc bán các loại quả với giá cao hơn thị trường, nhờ kinh doanh theo phương thức hiện đại như quảng bá các hoạt động của nông trại trên các trang mạng xã hội, thành lập Fanpage, đăng ký thiết lập định vị tìm kiếm nông trại nho sạch trên google.map, mô hình còn đem lại một khoản thu khá ổn định cho gia đình từ việc tiếp đón khoảng 5.000 – 7.000 lượt khách/năm tới tham quan và trải nghiệm thực tế tại nông trại.

Với chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan và thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn theo kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tới trải nghiệm.


Nông trại của anh Trần Duy Đoan, xã Nhân Đạo (Sông Lô) thu hút du khách đến thăm quan, tự tay thu hoạch các loại trái cây…

Có thể kể đến như mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm Phú Lâm Farmstay, Camping EnCamp xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); Taca Farmstay, xã Hồng Phương (Yên Lạc)… Ngoài việc được nghỉ dưỡng, khi đến các mô hình du lịch nông thôn trải nghiệm, du khách còn được trải nghiệm, tự tay thu hoạch trái cây hay trồng cây, hòa mình vào thiên nhiên… không chỉ góp phần phát triển và quảng bá du lịch địa phương mà còn giải quyết tốt bài toán đầu ra cho các loại nông sản với giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, giúp nhiều hộ kinh doanh, đơn vị có thể làm giàu.

Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình du lịch nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, bởi phần lớn các mô hình mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu; lượng khách đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ còn ít; hình thức đầu tư tự phát theo kiểu mạnh ai người nấy làm; thu nhập mang tính thời vụ, chưa thật sự ổn định, bền vững cho người làm loại hình du lịch này…

Hơn nữa, hành lang pháp lý cho loại hình du lịch này đang có những bất cập khiến quá trình đầu tư, xây dựng phát triển còn hạn chế khi đa số được triển khai trên đất nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục theo quy định, chưa có quy hoạch cụ thể cho phát triển du lịch… Vai trò của chính quyền và doanh nghiệp du lịch chưa được phát huy.

Để du lịch nông thôn phát triển mạnh mẽ, theo kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế trang trại hình thành mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục – du lịch học đường, du lịch sinh thái.

Xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các điểm du lịch nông thôn nhằm bổ sung tính đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch; lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông thôn trong các chương trình xúc tiến quảng bá về du lịch Vĩnh Phúc trên các kênh truyền thông, các ấn phẩm du lịch. Cùng với đó, xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung – cầu du lịch…

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn, tạo được sức hút, giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn nhất. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa, khai thác hiệu quả lợi thế sản phẩm địa phương, nâng cao chất lượng, xây dựng NTM bền vững hơn.

Bài, ảnh: Lưu Nhung
Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn