Vĩnh Phúc: “Cú huých” lớn để phát triển các sản phẩm OCOP

Để tiếp thêm động lực cũng như khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về sản phẩm nông sản và các sản phẩm truyền thống của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ chi phí xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, in ấn tem nhãn, bao bì... góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP và tăng thu nhập cho người dân.


Các sản phẩm được chứng nhận OCOP của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo được đóng gói với mẫu mã đẹp,
có tem truy xuất nguồn gốc được người tiêu dùng lựa chọn

Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại các địa phương. Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hướng quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP… Nhờ đó, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 140 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng, trong đó có 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 106 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường tốt như: Rượu đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An; nấm đùi gà của công ty TNHH nấm Phùng Gia, mỳ thanh long của Hợp tác xã Lộc Thúy Quỳnh…

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, số sản phẩm được đánh giá, phân hạng còn khá khiêm tốn và chưa có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc của địa phương. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, nhiều sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP chủ yếu là sản phẩm thô sơ, quy mô sản xuất nhỏ, chưa có tem nhãn, bao bì, chưa bảo đảm được vùng sản xuất, vùng nguyên liệu để sản xuất và phát triển sản phẩm. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã đủ điều kiện về chất lượng, quy mô, nhưng lại thiếu chi phí để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP như: Chi phí kiểm nghiệm sản phẩm; chi phí thiết kế, in ấn tem nhãn, bao bì sản phẩm; chi phí thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP chưa đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Gặp khó khăn về chi phí in ấn tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm, anh Ngô Văn Phước, chủ cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm gà đồi Lập Thạch ủ muối mới được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP 3 sao cho biết: Gà ủ muối hiện là sản phẩm khá phổ biến trên thị trường, để xây dựng thương hiệu và khẳng định chỗ đứng trên thị trường cơ sở sản xuất luôn đặt chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, với công thức tẩm ướp gia vị đặc biệt, sản phẩm sau khi chế biến có màu vàng ươm tự nhiên, thịt bên trong hồng, mềm, khi ăn có vị thơm ngọt, da giòn, có hương vị đậm đà… nên sau một thời gian có mặt tại thị trường, sản phẩm gà ủ muối đã dần được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao.


Sản phẩm gà đồi Lập Thạch ủ muối của Cơ sở sản xuất Ngô Văn Phước, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch
được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn

Tuy nhiên, là sản phẩm OCOP mới đang trong quá trình tiếp cận thị trường nên bên cạnh những thuận lợi, cơ sở gặp không ít khó khăn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Anh Ngô Văn Phước cho hay, để xây dựng và phát triển thành công thương hiệu, chất lượng sản phẩm tốt thôi chưa đủ, giá thành sản phẩm cũng phải phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Được hỗ trợ chi phí sản xuất sẽ giúp các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP cải thiện chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, Chương trình OCOP được triển khai có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững bởi không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, sản phẩm OCOP còn thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để xây dựng thành công sản phẩm OCOP đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các chủ thể tham gia cũng như các cấp chính quyền. Xuất phát từ thực tế trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 51 về Hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu; hỗ trợ 01 lần chi phí in ấn tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm theo hóa đơn thực tế của năm trước liền kề với năm làm đơn đề nghị hỗ trợ và thực hiện theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Quyết định số 51 của UBND tỉnh được kỳ vọng sẽ là “cú huých” lớn trong việc khuyến khích, hỗ trợ các tập thể, cá nhân xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh phát triển mới từ 70 – 80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên, đầu tư nâng cấp để có từ 2 – 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh trở thành thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu nhu cầu của người tiêu dùng và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Thu Thủy
Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc – vinhphuc.gov.vn