Vĩnh Phúc: Cơ hội cho thương mại – dịch vụ tại các làng nghề phát triển

Những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) tại các làng nghề trong tỉnh Vĩnh Phúc từng bước phát triển, tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, việc hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày sản phẩm đặc trưng của các làng nghề được kỳ vọng là nơi quảng bá thương hiệu, thúc đẩy thương mại - dịch vụ (TM - DV) gắn với du lịch tại các làng nghề phát triển. Qua đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của địa phương.

Người dân huyện Yên Lạc tìm hiểu các sản phẩm truyền thống tại điểm trưng bày sản phẩm Làng văn hóa kiểu mẫu Chi Chỉ, xã Đồng Cương. Ảnh: Chu Kiều

Toàn tỉnh hiện có 29 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tập trung chủ yếu vào 5 nhóm ngành nghề chính là chế biến nông, lâm sản, thủy sản và thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn… với hơn 6.380 cơ sở SXKD; tạo việc làm cho hơn 17.300 lao động.

Thực hiện Kế hoạch số 316 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, trong 2 năm (2022 – 2023), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm đặc trưng cho 3 làng nghề truyền thống tại thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên), xã Tiên Lữ (Lập Thạch), xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) với tổng kinh phí 180 triệu đồng; hỗ trợ lắp đặt trang thiết bị nhà trưng bày sản phẩm cho 3 làng nghề tại thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên), xã Triệu Đề (Lập Thạch), xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) với tổng kinh phí 280 triệu đồng.

Việc hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm đặc trưng của ngành chức năng tại các địa phương có nghề, làng nghề truyền thống, góp phần giúp người dân, du khách tìm hiểu sâu hơn về biểu tượng văn hóa của từng vùng, miền cũng như những tinh hoa làng nghề.

Qua đó, không chỉ phát triển thế mạnh về TM – DV ở các làng nghề mà còn góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh, các thương hiệu làng nghề nổi tiếng của tỉnh đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Từ khi được tỉnh công nhận là làng nghề mộc truyền thống cho đến nay, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) đã trở thành trung tâm giao thương hàng hóa lớn trong vùng. Hiện nay, thị trấn có hàng nghìn cơ sở làm nghề mộc, chủ yếu là sản phẩm mộc dân dụng, mỹ nghệ, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Cũng từ đó, Hội Làng nghề thị trấn Thanh Lãng được thành lập, hiện có 350 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội; trong đó có 5 hội viên được công nhận là nghệ nhân và nhiều hội viên có kinh nghiệm, tay nghề cao.

Ông Kim Văn Gia, Chủ tịch Hội Làng nghề thị trấn Thanh Lãng cho biết: “Qua thời gian, hoạt động sản xuất của làng nghề đã có bước phát triển mạnh, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của địa phương.

Với các cơ chế hỗ trợ đặc thù từ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, nhất là việc xây dựng nhà trưng bày sản phẩm làng nghề, các hộ kinh doanh tại thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) mong muốn được chuyển hướng mạnh mẽ sang kết hợp giữa sản xuất và du lịch làng nghề. Ảnh: Chu Kiều

Tuy nhiên, hầu hết cơ sở SXKD đều nằm xen kẽ trong các khu dân cư nên việc được trưng bày sản phẩm làng nghề ở nơi tập trung là điều rất nhiều hội viên mong muốn. Dự kiến cuối năm nay, hội sẽ tổ chức ổn định lại nhân sự và nhận bàn giao lại từ UBND thị trấn khu nhà trưng bày sản phẩm và các thiết bị đi kèm để quản lý, vận hành.

Các sản phẩm tượng trưng của hội viên sẽ được đăng ký trưng bày luân phiên tại đây nhằm kết nối các nguồn cung cấp hàng hóa, quảng bá thương hiệu cá nhân với các đối tác trong và ngoài tỉnh”.

Nổi tiếng từ bao đời nay với nghề rèn truyền thống, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) hiện có gần 700 hộ làm nghề rèn. Từ việc chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, những năm gần đây, cùng việc đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã, nâng cao chất lượng để phục vụ người tiêu dùng mà các sản phẩm của làng còn vươn ra thị trường các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan…

Qua đó, làng nghề rèn được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm quy trình sản xuất dao, kéo, dụng cụ phục vụ lao động sản xuất.

Thực hiện đề án xây dựng LVHKM, địa phương đã tổ chức khánh thành khu thiết chế văn hóa – thể thao. Ngoài ra, mặt bằng khu trưng bày sản phẩm làng nghề đã được chính quyền địa phương bàn giao cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân Trần Hùng Mạnh cho biết: “Nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề sẽ hoàn thành trong tháng 11/2023. Đây là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường cho sản phẩm đặc trưng, tạo tiền đề phát triển du lịch làng nghề ở địa phương”.

Nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của các làng nghề, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm làng nghề gắn với quá trình phát triển KT – XH ở khu vực nông thôn, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương xây dựng nhà thờ tổ nghề, khu trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm góp phần phát triển TM – DV gắn với du lịch trải nghiệm làng nghề.

Mặt khác, hỗ trợ các làng nghề xây dựng và duy trì website quảng bá thương hiệu sản phẩm trên internet; kết nối website làng nghề với các website du lịch trên cả nước và tích hợp các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Twitter, Youtube… nâng cao hiệu quả quảng bá làng nghề. Đồng thời, khuyến khích các địa phương xây dựng các khu trình diễn, phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề và làng nghề gắn với các hoạt động thương mại sản phẩm làng nghề.

Ngọc Lan

Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn