Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú kết hợp với quy trình sản xuất thông minh, công nghệ hiện đại, sản phẩm trà khổ qua rừng Modica từng bước có vị thế trên thị trường
Ưu tiên sử dụng nguyên liệu địa phương
Theo ngành chức năng, thời gian qua, các sản phẩm (SP) tham gia chương trình OCOP bao gồm các SP hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương. Đặc biệt là các SP đặc trưng địa phương, SP làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.
Với mong muốn tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, hơn 5 năm qua, Công ty TNHH Thuận Duyên Food (xã Tân Phú, huyện Tam Bình) đã cải thiện chất lượng, đa dạng hóa SP. Hiện đã tung ra thị trường 15 SP gia vị và chao; trong 6 dòng SP chao đã có 4 SP đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 2 SP OCOP 3 sao. Đáng nói, hầu hết nguyên liệu sản xuất được thu mua từ người dân trong vùng theo hợp đồng, như: sả, lá dứa, gừng, riềng, khóm, tắc, ớt… Mỗi ngày, công ty cung ứng khoảng 300 thùng SP chao, gia vị các loại ra thị trường. Thời điểm từ sau Tết đến nay, công ty sản xuất liên tục nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường.
Song song đó, không chỉ phát triển thị trường tiêu thụ truyền thống ở các chợ, siêu thị, công ty cũng chú trọng xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển chiến lược marketing, tham gia bán hàng trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, sàn giao dịch nông sản… giúp SP được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng hơn. Bên cạnh thị trường tiêu thụ từ các tỉnh Đông Nam Bộ đến Cà Mau, công ty còn xuất khẩu các mặt hàng sang Campuchia, Mỹ, Canada, Đài Loan, Thụy Sĩ…
Bà Nguyễn Thị Trúc Linh- Giám đốc công ty, cho biết: “Ngoại trừ đậu nành phải lấy từ nơi khác thì hơn 90% nguyên liệu còn lại đều được công ty thu mua từ địa phương. Bởi vì các SP của công ty chủ yếu được sản xuất từ thảo dược quen thuộc, dễ trồng và chăm sóc. Để tăng nguồn nguyên liệu sản xuất, ngoài việc có khu tự trồng nguyên liệu, chúng tôi đã vận động nông dân địa phương tận dụng đất trống xung quanh nhà để gieo trồng nhiều loại nguyên liệu, sau đó công ty sẽ đến thu mua tận chỗ, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định. Hiện công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 75 lao động tại địa phương, góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người dân”.
Cũng tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú kết hợp với quy trình sản xuất thông minh, công nghệ hiện đại, nhiều năm qua, SP trà khổ qua rừng Modica từng bước có vị thế trên thị trường. Bà Bùi Minh Phượng- Giám đốc Công ty TNHH Agripure Việt Nam (phường Cái Vồn, TX Bình Minh), chia sẻ: “Yếu tố quan trọng để SP của chúng tôi có được chỗ đứng trên thị trường là chất lượng. Thời gian qua, công ty đã tập trung vào việc đảm bảo chất lượng từ quy trình lựa chọn nguyên liệu đến chế biến. Bằng cách áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cao như HACCP, cam kết với nông dân về canh tác, thu hoạch nguyên liệu, kiểm soát được quy trình sản xuất. Đồng thời, từ khi 2 SP trà khổ qua rừng Modica xắt lát và trà túi lọc đạt chứng nhận OCOP 4 sao, SP được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, góp mặt tại nhiều kênh phân phối trong và ngoài tỉnh, từ cửa hàng, siêu thị truyền thống đến hệ thống sàn thương mại, mạng xã hội”.
Các chủ thể OCOP chủ động liên kết với nông dân trong tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường
Theo bà Phượng, khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay là nguyên liệu, hiện nay chỉ còn 2 hộ nông dân ký hợp đồng, cung cấp hơn 20kg nguyên liệu/ngày, do đó công ty phải hạn chế số lượng đơn hàng. “Để giải quyết khó khăn, công ty đã tận dụng diện tích 1,5ha xung quanh khu vực sản xuất để cải tạo, canh tác vùng nguyên liệu đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thị trường, giảm áp lực chi phí đầu vào. Đồng thời, tôi sẽ làm tốt hơn công tác truyền thông, chăm sóc khách hàng để tạo sức hút cho SP”- bà Phượng nói.
Nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh
Nhiều đơn vị tham gia Chương trình OCOP cho rằng, việc triển khai tham gia chương trình chính là động lực làm thay đổi tư duy sản xuất, thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao giá trị SP nông nghiệp của địa phương. Theo đó, các chủ thể OCOP cũng đã đẩy mạnh việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đầu tư mẫu mã và nâng cao chất lượng SP. Đến nay, các chủ thể sản xuất SP OCOP đã gặt hái được những thành công nhất định.
“Rau câu sơn thủy” của hộ kinh doanh Vinh Quang (Phường 8, TP Vĩnh Long) được công nhận SP OCOP 3 sao, việc nâng cao chất lượng SP luôn được chú trọng. Theo chị Lê Thị Bảo Trang- đại diện hộ kinh doanh rau câu Vinh Quang, chia sẻ: “Kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ SP cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Đây còn là điều kiện cần thiết để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từng bước mở rộng thị trường. Đồng thời, cơ sở đã mở rộng việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử của địa phương; ứng dụng quét QR code liên kết địa chỉ website của cơ sở; đẩy mạnh việc kinh doanh trên các trang mạng xã hội, nhờ vậy mà chúng tôi mở rộng thêm thị trường, tiết kiệm thời gian trao đổi, tư vấn cho khách, hiệu quả kinh doanh cao hơn”.
Ngoài việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp còn chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, các chủ thể OCOP đã có sự quan tâm trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản nên chất lượng SP nâng lên, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ SP. Tuy nhiên, đa số các chủ thể tham gia chương trình có quy mô, quản trị còn nhỏ và yếu, còn thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển SP theo chuỗi giá trị… Do đó, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa của Chương trình OCOP, cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ các cơ sở đạt chuẩn OCOP tiếp tục nâng hạng để tạo hiệu ứng lan tỏa chương trình.
Để tiếp tục phát huy lợi thế của SP đạt OCOP, thời gian tới, các chủ thể mong muốn ngành chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ để khai thác, nâng cấp chất lượng SP cao hơn nữa. Đồng thời có phương án hỗ trợ để mở rộng sản xuất, quảng bá thương hiệu, vươn tới những thị trường xa hơn.
Theo quy định, sau 3 năm công nhận SP đạt chuẩn OCOP, ngành chức năng sẽ đánh giá lại các tiêu chí, nếu SP không bảo đảm thì sẽ bị rớt xuống hạng sao thấp hơn hoặc thu hồi giấy chứng nhận đạt sao. Có thể thấy, Chương trình OCOP tuy mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng nếu không giữ vững được chất lượng nguy cơ các SP OCOP bị thu hồi chứng nhận rất cao. Vì vậy, để SP OCOP phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các chủ thể, chính quyền địa phương. Các HTX, doanh nghiệp cần có giải pháp, chiến lược phát triển SP OCOP lâu dài.
Bài, ảnh: Thảo Ly – Thảo Tiên
Báo Vĩnh Long – baovinhlong.com.vn