Tuyến đường chính dẫn vào thôn Phước Bắc, An Mỹ (Tam Lãnh, Phú Ninh) chạy dọc ven bờ hồ Phú Ninh trong hai ngày cuối tuần qua trở nên rộn ràng hơn bởi được trang trí cờ hoa, nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động dã ngoại nhân dịp chính quyền địa phương ra mắt điểm du lịch cộng đồng xã Tam Lãnh.
Không khí trong lành, thoáng đãng ở làng du lịch cộng đồng Tam Lãnh. Ảnh: Giang Vinh
Cảnh đẹp bên hồ
Là nơi được lựa chọn – khởi phát xây dựng điểm du lịch cộng đồng ven hồ Phú Ninh, các thôn Phước Bắc và An Mỹ nằm trong lưu vực hồ Phú Ninh gắn với các di tích lịch sử: Gành gấu, hang dơi, bệnh xá Bắc Tam Kỳ, thị ủy Tam Kỳ, di tích ngã ba An Lâu. Có di tích danh thắng thác Trắng – Hầm Hô, Đập làng, Đập Tây, mỏ vàng Bồng Miêu.
Một chòi mát ven hồ được người dân xây dựng để chào đón du khách. Ảnh: Giang Vinh
Theo UBND xã Tam Lãnh, nơi đây ngược dòng lịch sử đã từng được biết đến với cái tên “cánh đồng vàng”…, có hệ sinh thái – động thực vật phong phú đa dạng, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, sơn thủy hữu tình. Người dân Tam Lãnh cần cù, chịu thương, chịu khó, gần gũi, giản dị, nghĩa tình, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau… điều đó tạo nên cộng đồng thống nhất mang đậm nét văn hóa làng quê Trung bộ. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương hội tụ đủ điều kiện phát triển điểm du lịch cộng đồng.
Tuyến đường làng của thôn Phước Bắc, An Mỹ chạy dọc ven hồ Phú Ninh khí hậu sạch lành bởi những khu vườn cây trái xanh mướt, từng đợt gió mát lạnh từ hồ Phú Ninh đưa về. Một số điểm đón tiếp du khách đã được đầu tư, sẵn sàng đón tiếp khách đến du lịch, trải nghiệm. Nhiều sản vật dân dã và sản phẩm OCOP của địa phương cũng bắt đầu được bày bán.
Nhiều bạn trẻ thích thú khi đến chụp ảnh ở hồ Phú Ninh. Ảnh: Giang Vinh
Ông Nguyễn Văn Huệ (thôn Phước Bắc, xã Tam Lãnh) chia sẻ, bà con hai thôn rất hưởng ứng phương án lựa chọn hai thôn xây dựng điểm du lịch cộng đồng ven hồ Phú Ninh của chính quyền địa phương. Để xây dựng thành công điểm du lịch cộng đồng ven hồ Phú Ninh, người dân tự nguyện hiến đất đai, cây cối, vật kiến trúc để cùng với chính quyền địa phương hoàn thành xây mới, nâng cấp, cải tạo các trục đường thôn tạo sự kết nối; cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng.
Thưởng thức các món ăn đặc trưng khu vực ven hồ Phú Ninh. Ảnh: Giang Vinh
“Người dân sẽ cùng với chính quyền địa phương xây dựng và bảo vệ môi trường, đảm bảo cảnh quan môi trường sáng – xanh – xạch – đẹp, thân thiện. Đầu tư chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng mới các mô hình điểm check in, chụp hình lưu niệm của du khách, đảm bảo phục vụ du lịch cộng đồng” – ông Huệ nói.
Phát huy thế mạnh cộng đồng
Việc lựa chọn và xây dựng điểm du lịch cộng đồng ven hồ Phú Ninh không mang tính tự phát, “đơn độc” khi có đồng hành của UBND huyện; sự kết nối và tham vấn của Viện Công nghệ xanh Đà Nẵng, một số doanh nghiệp lữ hành, nhất là tư vấn hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng nhân lực, xúc tiến quảng bá điểm du lịch của địa phương trong thời gian đến.
Khu vực du lịch cộng đồng được quy hoạch có nhiều điểm tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Giang Vinh
Ông Nguyễn Văn Sự – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, phương án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở xã Tam Lãnh được UBND huyện phê duyệt, với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2023- 2025 gần 7,5 tỷ đồng. Với sự tham gia của tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các hộ gia đình sinh sống ven hồ Phú Ninh tại thôn Phước Bắc và thôn An Mỹ, các chủ thể hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã.
Lãnh đạo huyện Phú Ninh và xã Tam Lãnh khởi công công trình đường dẫn ven hồ Phú Ninh – là công trình nhằm thu hút du khách. Ảnh: Giang Vinh
“Mục tiêu của phương án là đầu tư nguồn lực nâng chất lượng hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, mô hình kinh tế vườn gắn với tham quan, cải tạo cảnh quan môi trường ven hồ và các khu dân cư, bồi dưỡng tập huấn nguồn nhân lực, quảng bá… nhằm phát triển thành điểm du lịch cộng đồng với loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm vào năm 2025.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ để thu hút du khách đến tham quan. Ảnh: Giang Vinh
Trong đó, tạo ra các chương trình du lịch cho phép du khách trải nghiệm cuộc sống và văn hóa địa phương. Du khách có thể tham gia các hoạt động như làm ruộng, làm vườn, nấu món ăn truyền thống hay trải nghiệm các hoạt động truyền thống. Hay trải nghiệm các hoạt động xanh, bềnh vững như du lịch xe đạp, leo núi, du lịch đi bộ, tham gia vào các hoạt động bảo tồn môi trường như trồng cây, làm vườn hữu cơ…” – ông Sự chia sẻ.