Miếu Hùng Lô, ngôi miếu cổ bậc nhất ở vùng Đất Tổ
Làng cổ Hùng Lô thuộc xã Hùng Lô, nằm ở phía Bắc TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây là vùng đất cổ gắn với truyền thuyết thời đại Hùng Vương với tên làng “Trang Khả Lãm”. Trải qua hàng thế kỷ, nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc làng quê vùng Đất Tổ, đặc biệt là di sản hát Xoan.
Không gian làng quê yên bình, hòa vào sắc màu cổ kính của kiến trúc và nét văn hóa thời đại Hùng Vương là đặc trưng của làng cổ Hùng Lô. Đường về làng Hùng Lô quanh co, rợp bóng cây xanh, gợi lên khung cảnh thơ mộng, hữu tình. Nơi đây còn lưu giữ được những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Trong đó, ngôi nhà cổ có niên đại gần 200 năm tại khu 3, xóm si, xã Hùng Lô đã và đang thu hút đông đảo du khách mọi miền đến tham quan. Hoa văn, hoạ tiết tinh xảo được chạm khắc trên từng kèo, xà của ngôi nhà cổ gợi lên sự tài hoa của người thợ mộc xưa, gợi dấu thời gian và sắc màu cổ kính.
Quần thể di sản Hùng Lô, nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa
Bà Nguyễn Thị Yến, chủ nhân của ngôi nhà cổ kể rằng, ngôi nhà cổ khi xưa được các cụ mua về từ bên sông, dựng lên tại vị trí hiện nay từ năm 1938. Ngôi nhà gồm 5 gian, 2 chái, có hiên rộng, bên trong có 6 cột hiên, 4 cột giữa, mái lợp ngói âm dương. Có thời kỳ chân cột bị mối xông, gia đình có ý định dỡ đi xây nhà gạch nhưng các cụ vẫn quyết tâm gìn giữ ngôi nhà còn nguyên vẹn thiết kế cho đến ngày nay.
Kiến trúc đình, miếu ở Hùng Lô được thiết kế độc đáo với những mái vòm cong vút, tạo nên dáng vẻ cổ kính. Ngoài Miếu Hùng Lô là một trong các di tích cổ bậc nhất ở Hùng Lô, được khởi dựng để thờ các Vua Hùng thì nổi bật và trở thành điểm nhấn cho di sản ở vùng quê này là đình Hùng Lô. Đình Hùng Lô cổ kính, trầm mặc dưới bóng đa xanh tốt, là không gian diễn xướng di sản hát Xoan. Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trong số 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trên toàn quốc thì đình Hùng Lô là một di tích tiêu biểu, là biểu tượng thiêng liêng cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ.
Nghề làm mỳ gạo truyền thống được người dân Hùng Lô gìn giữ
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, Vua Hùng cùng các quần thần thường đi du ngoạn, thăm thú cảnh vật, đến vùng đất Hùng Lô, thấy cảnh đẹp, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt nên dừng chân nghỉ ngơi. Khi thấy Vua Hùng đến, các bô lão và thần dân ra nghênh đón. Đời sau, Nhân dân lập miếu thờ Vua để tỏ lòng biết ơn.
Quần tụ giữa không gian bằng phẳng, thoáng đãng, đình Hùng Lô gồm nhiều hạng mục kiến trúc cổ như ngôi miếu cổ, tòa Đại đình, Long đình, nhà Tiền tế, lầu chuông… Ngoài những giá trị về kiến trúc, đình Hùng Lô như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ được nhiều cổ vật quý như đỉnh, đèn, lư hương, hạc đồng và nổi bật là bốn cỗ kiệu văn, một bộ kiệu bát cống.
Đình Hùng Lô với mái vòm cong vút, tạo tác những đường nét tài hoa lên nền trời
Đình Hùng Lô từ bao đời nay gắn với đời sống văn hóa tâm linh của cư dân địa phương một cách sâu sắc. Đây là không gian gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh như lễ hội, hát Xoan. Lễ hội đình Hùng Lô được tổ chức từ ngày mùng 9 đến ngày 13/3 âm lịch hằng năm. Vào dịp này, người dân làng cổ Hùng Lô đều tổ chức rước kiệu, dâng lễ vật về Đền Hùng.
Đình Hùng Lô là không gian cổ kính, là điểm nhấn trong di sản của vùng đất Tổ Phú Thọ
Lễ vật dâng Vua Hùng là những sản vật nông nghiệp được làm từ chính bàn tay của cư dân trong vùng. Sau phần lễ, người dân làng Hùng Lô tổ chức rước kiệu vào Đền Hùng, đoàn rước kiệu gồm 200 – 400 người mặc trang phục lễ hội truyền thống, bốn cỗ kiệu sơn son thếp vàng. Quãng đường rước kiệu từ Hùng Lô đến Đền Hùng là 9 km, vì thế trên đường rước có các trạm nghỉ, dân làng Hùng Lô thường tổ chức múa sư tử và các diễn xướng dân gian hát Xoan. Đoàn rước kiệu đến chân núi Nghĩa Lĩnh sẽ nghỉ một đêm, đúng sáng ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch thì rước kiệu và lễ vật vào Đền Hùng để kịp giờ tế lễ.
Về thăm làng cổ Hùng Lô, mỗi người dân đất Việt như được hòa mình, trải nghiệm không gian trầm tích văn hóa thời đại Hùng Vương còn được gìn giữ ở làng quê yên ả, thanh bình. Nơi đây, trong nhịp sống hối hả ngày nay, dạo bước trên con đường làng quê hữu tình, con người như lắng nghe được tiếng đồng vọng của cha ông thuở Hùng Vương dựng nước, lắng nghe điệu hồn dân tộc vang vọng mái đình làng, chiêm nghiệm và lan tỏa được những giá trị văn hóa trường tồn với thời gian”.
Nguyễn Thế Lượng
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn