Từ một nghề truyền thống lặng lẽ, nước mắm Hà Tĩnh nay đã vươn mình trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh du lịch địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh con người và quê hương Hà Tĩnh đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Làng nghề chế biến nước mắm truyền thống ở ven biển Hà Tĩnh
Quy trình làm nước mắm với nhiều công đoạn khép kín, các làng nghề nằm gần biển, có nguồn nguyên liệu cá cơm, cá nục phong phú, được sản xuất bằng phương pháp truyền thống, ủ chượp trong lu, chum đất trong thời gian dài để tạo ra hương vị đậm đà, đặc trưng.
Để cho ra được những lít nước mắm chất lượng đủ tiêu chuẩn, ngoài nguồn nguyên liệu cá tươi, muối sạch thì dụng cụ cũng phải đảm bảo sạch sẽ, các công đoạn được thực hiện rất kỳ công. Từng chiếc chum sành lớn được người dân cho vào theo tỉ lệ lớp cá, lớp muối sau đó dùng vỉ đậy lại và lấy đá phiến nén chặt để trực tiếp ngoài trời phơi nắng, phơi sương, công đoạn này được gọi là “ủ chượp”.
Trong mấy tháng đầu người làm phải thường xuyên đảo cho chượp chín đều. Mỗi lần mở nắp đậy phải đảm bảo không có côn trùng hay nước mưa, bụi bẩn nào bay vào, nếu không cẩn thận lu cá muối coi như hỏng.
Có được mẻ nước mắm với màu nâu cánh gián (nâu đỏ đậm) thơm, đẹp mắt, sánh quyện phải ủ chượp và phơi đủ 24 tháng, lúc đó các axit amin có lợi sẽ được hình thành tự chuyển biến protein có trong thịt cá, các axit amin này đều được tổng hợp từ các enzyme có sẵn trong ruột cá và có một số loại vi khuẩn ký khí chịu mặn, vì thế nó an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Sau quá trình đó mới chắt lọc nước cốt nguyên chất và những sản phẩm nước mắm được làm bằng phương pháp thủ công truyền thống hoàn toàn không có sự can thiệp của bất cứ phụ gia nào.
Nước mắm truyền thống từ lâu đã trở thành một trong những loại gia vị chủ đạo không thể thiếu trong căn bếp của nhiều hộ gia đình bởi độ dinh dưỡng và thơm ngon mà nó mang lại. Nước mắm có thể dùng để chấm, xào, rán… ướp cá, thịt vừa đậm đà lại thơm ngon.
Du khách tham quan, sử dụng dịch vụ tại KDL Thiên Cầm
Mùa hè là cao điểm du lịch biển ở Hà Tĩnh, cũng là lúc làng nghề nước mắm truyền thống tại xã, phường: Thiên Cầm, Hải Ninh, Kỳ Khang… trở thành điểm đến yêu thích của du khách. Sự phát triển của du lịch biển tại Hà Tĩnh cũng kéo theo sự “lên hương” của các làng nghề truyền thống. Du khách có thêm nhiều lựa chọn trải nghiệm khi các khách sạn, nhà hàng và các làng nghề phối hợp tạo tour tuyến tham quan, mua sắm được triển khai gắn du lịch biển với các cơ sở làng nghề trở nên dễ dàng, tạo ra sản phẩm du lịch quảng bá du lịch địa phương. Đến với Hà Tĩnh du khách không chỉ tận hưởng vẻ đẹp của biển mà còn trải nghiệm không gian làng nghề truyền thống hàng trăm năm và mua về những chai nước mắm nguyên chất làm quà.
Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các làng nghề nước mắm ở Hà Tĩnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế, các sản phẩm nước mắm còn trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá văn hóa vùng biển, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất thủ công và thưởng thức hương vị đặc sản ngay tại chỗ.
Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, trong những năm qua địa phương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn dạy nghề làm nước mắm để người dân nắm bắt rõ hơn về các quy trình đóng nắp, nhãn hàng… tạo ra sản phẩm của mình được bắt mắt và có giá trị hơn. Đồng thời, hỗ trợ các hộ xây dựng sản phẩm OCOP để quảng bá thương hiệu, liên kết với các hội chợ để trưng bày, giới thiệu nước mắm đến với đông đảo người tiêu dùng trên khắp cả nước. Đây là hướng đi tất yếu để nâng cao vị thế làng nghề và khẳng định thương hiệu nước mắm Hà Tĩnh trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.
Trung tâm Thông tin du lịch