Tiềm năng phong phú, trải nghiệm thú vị
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/9/2024, lượng khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn trên 74.100 lượt người. Trước đây, du khách đến Bạc Liêu thường tham quan, chiêm bái ở các khu, điểm du lịch tâm linh, tín ngưỡng. Hiện nay, khách du lịch có thêm trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Điểm du lịch sinh thái nông nghiệp nông trại The rice farm (tại khu dân cư Tràng An, Phường 7, thành phố Bạc Liêu) dù mới đưa hoạt động nhưng đã thu hút khá đông khách tham quan. Du khách đến đây không chỉ thích thú bởi khung cảnh đồng quê với màu xanh của cỏ cây, hoa lá mà còn được trải nghiệm làm nông dân thông qua các hoạt động như: cắt và đập lúa, bắt cá, bắt chuột đồng, thả diều… Em Trương Hoàng Mai Phương (12 tuổi, đến từ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, em rất thích các hoạt động trải nghiệm làm nông, qua đó giúp em hiểu hơn về công việc của người nông dân.
Tương tự, tại điểm du lịch nông nghiệp sinh thái nhà Gỗ Xưa (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình), du khách ngoài được thưởng thức ẩm thực đồng quê còn được tự tay câu cá, thu hoạch rau màu, tham gia những trò chơi dân gian vui nhộn. Điểm du lịch này đang trở thành lựa chọn hàng đầu đối với khách du lịch khi đến Bạc Liêu. Chị Trần Ngọc Mai (đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, sau khi cùng gia đình tham quan nơi đây, chị rất ấn tượng với không gian miệt vườn cũng như được thư giãn, trải nghiệm các hoạt động vui chơi thú vị.
Ngoài ra, các nhà vườn trồng cây ăn quả cũng được nhiều du khách tìm đến. Vườn táo trong nhà lưới của anh Phan Thanh Phương (ấp Thông Lưu B, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) gần 3 năm qua được nhiều khách tìm đến. Trồng táo không phải là mô hình mới nhưng trồng táo trong nhà lưới thì anh Phương là người đầu tiên áp dụng tại Bạc Liêu. Anh Phương chia sẻ, gia đình anh đầu tư xây dựng khung sắt, nhà lưới với số tiền hàng trăm triệu đồng, bao kín trên 350 gốc táo. Nhờ vậy, cây táo gần như không có sâu bệnh gây hại, nên cũng rất ít khi phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Lợi nhuận mỗi năm anh thu được trên 300 triệu đồng.
Theo bà Đỗ Ái Lanh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Bạc Liêu, thời gian gần đây, du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành Du lịch. Thành phố Bạc Liêu với hệ sinh thái đa dạng cùng nền văn hóa đặc trưng về tín ngưỡng, kiến trúc của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sống đan xen là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái vườn. Thành phố đang tập trung xây dựng nhiều sản phẩm thu hút du khách; trong đó chú trọng sản phẩm du lịch vườn nhãn Bạc Liêu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, điểm nhấn là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng. Địa phương đang tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đồng bào dân tộc; trong đó có các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer như: hát Dù – kê, nhạc Ngũ âm, múa Apsara, múa Rom vong, múa Gáo… phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách.
Gắn du lịch nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới
Nhận định du lịch nông nghiệp là xu hướng phát triển lâu dài của địa phương, ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho rằng, qua gần 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần và mức sống của người dân nông thôn được nâng lên. Qua đó, bước đầu làm thay đổi được nhận thức của người dân nông thôn “Từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ tư duy sản xuất đơn giá trị sang đa giá trị; từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi, nhằm phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng cũng như giá trị của sản phẩm nông nghiệp”. Đây là cơ sở để Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ thực tế phân chia không gian địa lý tỉnh Bạc Liêu thành 2 vùng: vùng Nam và Bắc Quốc lộ 1A, ông Ngô Nguyên Phong cho rằng, vùng Nam Quốc lộ 1 A với nhiều tiềm năng, lợi thế từ đặc trưng của rừng ngập mặn, các sản phẩm dưới tán rừng; đồng thời cánh đồng điện gió kết hợp với các mô hình sản xuất nước mặn. Đây là lợi thế lớn để tỉnh phát triển các loại hình du lịch nông thôn; nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức sẽ thu hút du khách đến Bạc Liêu. Trong khi đó, vùng Bắc Quốc lộ 1A đã hình thành các mô hình sản xuất đặc trưng trên cơ sở phát huy lợi thế hệ thống sông ngòi, kênh rạch có những nét độc đáo riêng về cảnh quan, môi trường sinh thái để hình thành các sản phẩm du lịch sông nước hấp dẫn với điểm đến là các làng quê gắn kết với các điểm du lịch làng nghề truyền thống như: đan đát, nghề rèn, dệt chiếu…
Ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, để khai thác tiềm năng phục vụ hiệu quả du lịch nông nghiệp, Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng đến sự khác biệt, tạo nên những sản phẩm đặc thù của địa phương. Bạc Liêu sẽ quan tâm khai thác những đặc trưng về văn hóa, cảnh quan khu vực nông thôn để hình thành các sản phẩm nông nghiệp hấp dẫn du khách. Tỉnh duy trì và hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính đặc trưng của quê hương như: Làng nghề đan đát ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long); làng nghề mộc, nghề dệt chiếu, nghề đan đát (huyện Hồng Dân); nghề làm muối (huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình)… Từ đó, giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và dịch vụ du lịch.
Ngành Du lịch Bạc Liêu đang kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Tuyến du lịch sinh thái ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải); xây dựng điểm du lịch sinh thái vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải); vườn chim xã Phong Thạnh Tây, điểm dịch vụ du lịch Tắc Sậy (thị xã Giá Rai); tuyến du lịch sinh thái đường sông Bạc Liêu – Vàm Lẻo; tuyến đường sông Hộ Phòng – Gành Hào; các tuyến đường sông huyện Hồng Dân… Cùng với đó, tỉnh tổ chức cho nông dân có điều kiện và tâm huyết làm du lịch tham gia các đợt học tập kinh nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả ở các địa phương, đồng thời có kế hoạch tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp để nông dân phát triển du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Tuấn Kiệt
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – TTXVN – dantocmiennui.vn