Toạ đàm về phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề tỉnh Thái Nguyên

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023, sáng 1/12, tại Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Toạ đàm đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề tỉnh Thái Nguyên.


Quang cảnh Toạ đàm

Thái Nguyên là vùng đất có tiềm năng du lịch, hội tụ nhiều di sản văn hóa, với 277 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Đây chính là tài nguyên giá trị để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/8/2018 về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030. Trong đó, xác định quan điểm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và lợi thế đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, ngành du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhanh, bền vững. Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục xác định: “Phấn đấu đưa du lịch Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả”.


Đại diện HTX chè Hảo Đạt, TP. Thái Nguyên bày tỏ quan điểm về phát triển du lịch cộng đồng gắn với OCOP

Những năm qua, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, từng bước phát huy được các tiềm năng thế mạnh về du lịch, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đón 2.498.200 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đến tỉnh Thái Nguyên đạt 2.114 tỷ đồng, tăng 18,75% so với cùng kỳ và bằng 71,48% so với chỉ tiêu đạt 3.000 tỷ đồng tổng doanh thu từ du lịch đến năm 2025. Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động du lịch Thái Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tính cạnh tranh chưa cao; chưa có sự gắn kết, bổ trợ, hỗ trợ nhau giữa phát triển du lịch và phát triển sản phẩm nông sản, OCOP, làng nghề. 


Đại diện Hội Chè Thái Nguyên đề xuất ý kiến để phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề làm chè và văn hoá trà

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra ý kiến xung quanh về thực trạng về công tác phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm OCOP, nông nghiệp, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, làng nghề hiện nay; thực tế trong gắn kết và đề xuất giải pháp, phương thức, cách làm tổng thể từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân để gắn kết phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, đại diện các HTX du lịch cộng đồng cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch thực chất, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế cho người dân, góp sức xây dựng nông thôn mới và bảo tồn làng nghề, bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc.

Phương Thảo – Thành Chung
Cổng TTĐT tỉnh Thái Nguyên – thainguyen.gov.vn