Tiền Giang: Đẩy mạnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Sau hơn 02 năm triển khai Chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), tỉnh Tiền Giang đã từng bước tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến đưa sản vật của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.


Ảnh minh họa: Internet


Vài nét về Chương trình OCOP giai đoạn 2019 – 2020


Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế – xã hội bền vững, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc và giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020.


Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh làm chủ thể thực hiện; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.


Ngày 28/01/2019, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND về việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020. Chương trình đặt ra 04 mục tiêu cụ thể: Tiêu chuẩn hóa ít nhất 10 sản phẩm chủ lực hiện có trên địa bàn các xã để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP; Phát triển ít nhất 02 làng văn hóa du lịch đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP; Khuyến khích tổ chức kinh tế sản xuất – kinh doanh, dịch vụ du lịch hiện có tham gia Chương trình OCOP Tiền Giang; Đào tạo, tập huấn kiến thức cho 100% đội ngũ quản lý Nhà nước (cấp tỉnh, huyện, xã) thực hiện Chương trình OCOP Tiền Giang và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia về chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh.


Năm 2021, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh với các mục tiêu cụ thể: Củng cố các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2019 – 2020, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 từ cấp tỉnh đến cấp xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả kế hoạch, đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.


Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn hóa, nâng hạng, duy trì xếp hạng 200 sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025 có 100 sản phẩm đạt 3 sao, 90 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 5 sao (các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải có sản phẩm OCOP). Phát triển sản phẩm dịch vụ, du lịch: Tiêu chuẩn hóa 05 – 07 điểm du lịch cộng đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 3 – 4 sao. Đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu phát triển 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.


Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: Thứ nhất, nâng cao năng lực quản lý, điều hành thực hiện Chương trình. Thứ hai, làm tốt công tác truyền thông, tập huấn về Chương trình. Thứ ba, ứng dụng khoa học – công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Thứ tư, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Thứ năm, lồng ghép các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP. Thứ sáu, tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Thứ bảy, tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại. Thứ tám, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thực hiện Chương trình.


Sau nhiều nỗ lực của các cấp, ngành tỉnh Tiền Giang, những nông sản đặc trưng của địa phương đã bắt đầu định danh trên thị trường. Thời gian qua, tỉnh đã đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đến nay, đã có 54 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 40 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 14 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu, chất lượng cung ứng cho các thị trường lớn trong và ngoài nước như: Mắm tôm chà Gò Công, mắm còng Tân Phú Đông, mắm tôm chua Gò Công, xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), sản phẩm tiểu thủ công xuất khẩu vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước), gạo VD20….


Theo tiến sĩ Huỳnh Quán Chi, Giảng viên Trường Đại học Tiền Giang, Chương trình OCOP là cơ hội để các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, dịch vụ tiêu biểu, dễ dàng tiếp cận với các đối tác kinh doanh mở rộng thị trường cung cấp sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Tiền Giang là tỉnh có lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản tạo thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Một số sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng tiềm năng của tỉnh bước đầu nâng cao được khả năng cạnh tranh, dần đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài nước.


Một số giải pháp trọng tâm


Chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để Chương trình OCOP tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết nghĩ các ngành chức năng của Tiền Giang cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:


Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh về Chương trình OCOP. Công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức với những giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ và cần được triển khai sâu rộng. Bên cạnh đó, phát huy tối đa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng và một số hình thức khác như: Pano, áp phích, đối thoại trực tiếp, hội nghị… Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về OCOP trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Trang Thông tin điện tử cấp huyện. Tập trung công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ Nhà nước trong hệ thống OCOP; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về phát triển sản phẩm tại các địa phương nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất có điều kiện tham gia.


Hai là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống tư vấn thực hiện OCOP. Muốn thực hiện thành công Chương trình OCOP trước hết phải có bộ máy chuyên trách từ cấp tỉnh đến xã; hội đồng đánh giá sản phẩm cấp tỉnh, huyện. Những thành viên được lựa chọn vào trong bộ máy phải là những người am hiểu về Chương trình OCOP, về thế mạnh và tiềm lực của các sản phẩm ở địa phương mình phụ trách. Xây dựng hệ thống hỗ trợ Chương trình OCOP: Hệ thống tư vấn hỗ trợ, hệ thống đối tác OCOP, hệ thống sản xuất. Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy điều hành, triển khai Chương trình OCOP các cấp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu/phần mềm quản lý chương trình; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP.


Ba là, cần ban hành cơ chế, chính sách cụ thể cho Chương trình OCOP để hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy sâu rộng và đồng bộ; cơ chế chính sách quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị nhằm khai thác sản phẩm thế mạnh, đặc hữu của địa phương, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên địa bàn. Vì thế, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây con chủ lực, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn.


Bốn là, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm. Số hóa, hướng cụ thể hồ sơ minh chứng các tiêu chí theo từng bộ tiêu chí đánh giá để tạo điều kiện cho các chủ thể có thể truy cập và lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng một cách chính xác và nhanh nhất. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, tạo cho các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.


Năm là, đổi mới và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đổi mới hình thức, phương pháp xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm chủ lực thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm. Hình thành các điểm bán hàng; trung tâm OCOP để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP (đạt 3 sao trở lên) ở cấp tỉnh và cấp huyện. Đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nhằm tăng cường kết nối cung cầu. Tổ chức Hội chợ OCOP thường niên 01 lần/năm, tập trung vào các sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh dần tiến tới hoạt động xã hội hóa; lồng ghép các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong các hội chợ thương mại tại các địa phương. Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch, thúc đẩy hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ thông qua khách du lịch tại các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, qua đó góp phần đa dạng ngành du lịch Tiền Giang.


Sáu là, tổ chức Hội nghị đối tác OCOP, xây dựng “Mạng lưới Đối tác OCOP Tiền Giang” với sự tham gia của các tổ chức OCOP (chia sẻ thông tin, gặp gỡ, đàm phán, ký kết thỏa thuận, hợp đồng,….) nhằm liên kết các chủ thể thực hiện chương trình với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với chuẩn hóa vùng trồng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như thanh long, khóm, xoài, sầu riêng, bưởi,… qua đó, hỗ trợ một phần kinh phí để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.


Có thể thấy, Chương trình OCOP được triển khai theo nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa ở các vùng nông thôn với chủ thể quan trọng là các tổ chức kinh tế (tập trung vào hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) và nhân tố quan trọng là sản phẩm đặc trưng có giá trị, chất lượng cao. Qua đó không chỉ giúp nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm địa phương và lan tỏa thương hiệu địa phương, mà còn giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh và phát triển bền vững.


Cao Tường Minh