Mặc dù bốn bề là nước nhưng cồn Phong Nẫm không bị trở ngại nhiều trong việc đi lại vì có hệ thống phà vận chuyển tương đối hoàn chỉnh. Hiện tại, có 3 tuyến phà kết nối với đất liền của huyện Kế Sách, trong đó tuyến phà Phong Nẫm – An Lạc Thôn có khả năng chở cả xe ô tô và xe tải. Ngoài ra, cồn Phong Nẫm còn có các phà kết nối với xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long và cồn Tân Qui thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho du khách từ nhiều tỉnh trong vùng đến tham quan.
Những năm gần đây, hệ thống đường giao thông trong cồn được đầu tư đồng bộ với trục chính là tuyến đường trải nhựa từ bến phà Phong Nẫm – An Lạc Thôn nối liền đến trung tâm xã, xe tải và ô tô có thể chạy vi vu. Ngoài ra, còn có các tuyến đường đal kết nối đến từng khu dân cư và các con lộ dọc theo toàn bộ tuyến đê, rất thuận tiện trong việc đi lại.
Tuyến lộ nhựa trung tâm cồn Phong Nẫm (ảnh Nguyễn Lợi)
Được biết toàn xã Phong Nẫm có trên 658 ha vườn cây ăn trái, trong đó có các loại cây chủ lực như nhãn, chôm chôm, vú sữa tím, xoài, măng cụt, mận An Phước, sầu riêng… Mỗi loại cây đều có mùa thu hoạch khác nhau, hầu như trãi đều các mùa trong năm. Tuy nhiên, nếu đến cồn Phong Nẫm vào những ngày tháng Tư, tháng Năm âm lịch, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên với những vườn trái cây bạt ngàn như khoác lên mình chiếc áo mới đầy màu sắc, đó chính là sắc màu của trái cây vào mùa chín rộ. Nổi bật nhất chính là nhiều vườn chôm chôm vào mùa chín rợp sắc vàng, đỏ trông rất đẹp mắt. Tận dụng được lợi thế này, nhiều chủ vườn đã xây dựng mô hình kết hợp vừa bán trái cho các thương lái vừa mở dịch vụ cho khách đến tham quan, chụp hình, hái trái ăn tại vườn và phục vụ một số món ăn dân dã. Từ đó, đã thu hút rất nhiều du khách đến với xứ cù lao này. Một số chủ nhà vườn chôm chôm nổi tiếng đang áp dụng mô hình cho khách đến tham quan có thể kể đến như: điểm tham quan du lịch ông Năm Lến, điểm tham quan du lịch vườn ông Ba Huê vườn chôm chôm ông Hai Hoàng, vườn chôm chôm ông 7 Thống, vườn chôm chôm ông Hai Thận… Điển hình như vườn chôm chôm ông 7 Thống, vào mùa trái chín rộ mỗi ngày đều đón nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh và được hái trái ăn thỏa thích tại vườn với 02 loại chôm chôm là Thái và Java, phí tham quan 60.000 đồng/người lớn và trẻ dưới 12 tuổi là 30.000 đồng. Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống cho khách, nhà vườn còn phục vụ các món ăn dân dã như gà xé phai, lẩu gà chanh ớt, cá tai tượng chiên xù, vịt nấu chao… Bên cạnh đó, điểm tham quan du lịch Ông Năm Lến còn có các dịch vụ đa dạng, ngoài tham quan vườn chôm chôm, vườn măng cụt trăm tuổi, du khách còn được trải nghiệm tham quan sông nước bằng tàu du lịch.
Du khách tham quan vườn chôm chôm ông 7 Thống (ảnh Nguyễn Lợi)
Vườn nhà ông Ba Huê – tổ chức phục vụ khách du lịch vào dịp tết Đoan Ngọ mùng 5-5 (ảnh Lý Thị Phương)
Vườn nhà ông Ba Huê – tổ chức phục vụ khách du lịch vào dịp tết Đoan Ngọ mùng 5-5 (ảnh Lý Thị Phương)
Không những thế, khi len lỏi vào những con đường quê ở xứ cù lao, du khách sẽ còn bắt gặp những vườn trái cây trĩu quả như vườn mận An Phước, măng cụt, sầu riêng… Đặc biệt, cồn Phong Nẫm còn có vườn nhãn tím quý giá. Đây là loại nhãn đặc biệt, từ thân cành, lá cho đến hoa, quả đều có màu tím rất đẹp mắt, nhiều du khách từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí có cả du khách nước ngoài đã từng đến đây để tham quan vườn nhãn tím và hỏi mua nhánh đem về trồng.
Để du lịch cồn Phong Nẫm thật sự cất cánh, trong thời gian tới cần tăng cường liên kết để phát triển như kết nối các cù lao dọc sông Hậu tạo thành cụm du lịch; liên kết với các công ty lữ hành đưa khách từ thành phố Cần Thơ tham quan cồn Phong Nẫm bằng tàu; xây dựng tuyến tham quan du lịch nối đôi bờ sông Hậu, từ Sóc Trăng sang Trà Vinh, trong đó lấy cồn Phong Nẫm làm trung tâm. Theo Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 xác định du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm là 01 trong 06 sản phẩm du lịch bổ sung. Cùng với những tiềm năng và lợi thế hiện có, trong tương lai không xa du lịch cồn Phong Nẫm sẽ vươn lên thành điểm du lịch cộng đồng nổi bật trong bản đồ du lịch của tỉnh Sóc Trăng.
Nguyễn Lợi
www.dulichsoctrang.org