Đến với mỗi địa điểm du lịch, cái du khách cần không chỉ là được trải nghiệm điểm đến hấp dẫn, mà còn mong mỏi được thưởng thức những thức quà quê riêng có của vùng đất ấy. Ở Tuyên Quang, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm sau nhiều năm triển khai đã giúp nhiều sản vật trở thành hàng hóa. Mỗi thức quà quê không chỉ mang hương vị xứ Tuyên, mà còn chứa đựng nhiều trăn trở của không chỉ người làm du lịch...

Ấn tượng quà quê

Về chơi Lễ hội đường phố Tuyên Quang – lễ hội độc đáo nhất trên mảnh đất hình chữ S, đoàn khách du lịch của tỉnh Hưng Yên còn háo hức muốn được đến đại bản doanh của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất, thưởng thức lại hương vị trà lạnh Ngọc Thúy – thứ trà có một không hai đến thời điểm hiện tại. Anh Nguyễn Anh Tuấn, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên chia sẻ, đầu năm anh có dịp qua Tuyên Quang và được thưởng thức trà lạnh, hương vị quen quen mà là lạ cứ lưu luyến khiến anh nhớ mãi. Lần này có dịp lưu lại Tuyên Quang lâu hơn nên bằng mọi giá anh Tuấn muốn tìm đến để thưởng thức. Theo lời anh Tuấn trà lạnh không sao khô như trà mạn, trà chỉ được làm héo, sao vừa để độ ẩm trong búp trà còn khoảng 40 – 50%. Độc đáo ở chỗ độ ẩm trong trà rất cao song trà vẫn được được lên men để dậy mùi hương. Anh Tuấn khẳng định, không chỉ trà lạnh, các sản phẩm trà khác: trà Bát tiên, trà mạn Ngọc Thúy ở vùng đất Mỹ Bằng cũng rất ngon và đây là món quà giá trị của mảnh đất Tuyên Quang để anh lựa chọn mua tặng bạn bè khi về.

Sản vật Tuyên Quang được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ hàng OCOP khu vực phía Bắc năm 2024 được tổ chức tại Tuyên Quang

Chị Hoàng Thị Thủy, phường 9, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh lại rất thích những nông sản của Tuyên Quang được chế biến dân dã. Theo chị Thủy, chị đã đi nhiều nơi, nhưng chị đặc biệt ấn tượng với sản phẩm măng khô Tuyên Quang, đặc biệt là loại măng nứa của vùng đất Yên Sơn. Măng ở đây được luộc chín, nhặt sạch bẹ, chân măng trước khi đưa đi chế biến, nên rất ngon, khi chế biến không lo bị xơ, dai. Chị Thủy bảo, măng Tuyên Quang có một đặc điểm chỉ có người nghiền măng như chị mới nhận ra đó là măng Tuyên Quang thường có màu sẫm hơn so với măng cùng chủng loại do được phơi dưới ánh nắng trực tiếp. Điều này sẽ giúp măng được bảo quản lâu hơn, thơm hơn và cũng đậm vị hơn khi chế biến. Chị Thủy cho biết, ngoài măng, chị cũng rất thích các sản phẩm như: Gạo Hồng Thái, cá sạch (Na Hang); thịt lợn đen bản địa, bánh chuối, trà đậu đen xanh lòng… Chị Thủy chia sẻ: Vì nghiền hương vị quà của Tuyên Quang nên nếu có dịp đến chị đều mua sắm rất nhiều vừa để gia đình dùng, vừa tặng người thân, bạn bè.

Mỗi vùng đất Tuyên Quang, đều có những sản vật riêng: Bưởi, na, miến dong ở Yên Sơn; thanh long, cam sành, chè xanh Hàm Yên; bánh gai, bánh gấc hay măng khô Chiêm Hóa; thịt trâu khô, thịt lợn treo gác bếp hay cá hồ Na Hang, Lâm Bình… Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, Tuyên Quang có đủ các sản phẩm, mỗi sản phẩm mang đặc trưng của từng vùng miền từ sản phẩm trồng trọt đến chăn nuôi. Những thức quà quê dân dã bình dị ấy dưới bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của những “nghệ nhân quê” đã trở thành những món quà mang cả giá trị về vật chất, tinh thần cho du khách đến Tuyên Quang và cho những người con xa quê để nhớ về.

Tìm câu chuyện trong sản phẩm

Tuyên Quang cũng như một số tỉnh trong khu vực, dù số lượng sản phẩm nông nghiệp hay nói cách khác là quà quê tương đối nhiều tuy nhiên sự na ná, trùng lắp vẫn còn khá lớn trong các sản phẩm. Nét riêng – tính đặc trưng riêng – câu chuyện riêng, của từng sản phẩm lại chưa có nhiều. Trong khi mục tiêu phát triển của sản phẩm quê hương là kích hoạt được tính cộng đồng của địa phương, và hơn hết, mỗi sản phẩm phải là một “sứ giả” để chuyển tải bản sắc văn hóa, đặc trưng trong sản xuất, sinh hoạt của người dân các dân tộc địa phương và là dấu ấn riêng của vùng đất đó.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được coi như là “ông trùm” của các sản phẩm OCOP với 7 sản phẩm được chứng nhận từ 3 – 4 sao và nhiều sản phẩm tiềm năng khác chia sẻ, các sản phẩm OCOP của tỉnh nói chung và của chính HTX dù chất lượng không thua kém, thậm chí là ngang tầm nếu không muốn nói là vượt trội một số sản phẩm cùng chủng loại ở các tỉnh lân cận và khu vực. Vậy nhưng sản phẩm của ta vẫn hạn chế trong việc nhận diện thương hiệu. Anh Sử dẫn chứng, cùng một loại sản phẩm trà Shan tuyết khi nhắc đến tỉnh Yên Bái khách hàng sẽ nhớ ra ngay cây trà Shan ở Suối Giàng; với tỉnh Hà Giang là “Fìn Hò Trà”, hình ảnh bà cụ người Dao Đỏ in trên bao bì và câu chuyện về cuộc sống của người Dao Đỏ đã “ghim” vào lòng khách hàng. Ngược lại với Tuyên Quang, bản thân anh Sử, rất nhiều lần tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong khu vực và toàn quốc, khi giới thiệu về chè (trà) Tuyên Quang khách hàng vẫn bán tín, bán nghi, chỉ khi khách thưởng thức họ mới mới ngỡ ngàng về chất lượng trà – anh Sử chia sẻ.

Vào vụ hồng du khách có thể ghé thăm huyện Yên Sơn để thưởng thức hồng ngâm không hạt được trồng ở xã Xuân Vân.

Không riêng câu chuyện của sản phẩm trà, câu chuyện về sản phẩm cá sạch Na Hang hay sản phẩm mật ong Tuyên Quang và nhiều sản phẩm khác nữa vẫn đang là thách thức không chỉ riêng của ngành Nông nghiệp mà cả với chủ thể của các sản phẩm. Các sản phẩm vốn được đánh giá rất cao về chất lượng song vì chưa khai thác được câu chuyện, bản sắc, đặc trưng trong sản xuất thêm vào đó là hệ thống phân phối, các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm vẫn chưa thực sự tạo ra sức hút đối với các sản phẩm khách hàng, đặc biệt là với du khách. Không chỉ hạn chế về tính đại diện, ngay cả việc tìm quà quê ở đâu cũng khá vất vả với du khách.

Nhiều khách du lịch đã có so sánh nhỏ về số lượng điểm bán quà tặng đặc sản giữa 2 địa phương liền kề là Tuyên Quang và Hà Giang. Nếu như ở tỉnh cực Bắc của Tổ quốc, các điểm bán quà tặng đặc sản tương đối dày đặc, khách du lịch có thể dễ dàng tìm và lựa chọn sản phẩm, thì ở Tuyên Quang lại khá vắng vẻ. Cả tỉnh, đến thời điểm này mới có 8 điểm bày bán, giới thiệu sản phẩm OCOP được hình thành ở cả 7 huyện, thành phố.

Tại thành phố Tuyên Quang, một số điểm bán sản phẩm OCOP, nhưng mới chủ yếu là thực phẩm dùng hằng ngày. Khách du lịch muốn đặt quà OCOP số lượng lớn, thường rất khó được đáp ứng, chưa nói đến việc không nhất quán giữa bao bì hay túi đựng quà tặng, khi nơi bán riêng, nơi tặng kèm cho khách có nhu cầu.

Nhiều khách du lịch cho rằng mua sản phẩm quà ở các điểm, khu du lịch, các chợ phiên truyền thống có ý nghĩa hơn là các quầy hàng tại trung tâm mua sắm lớn. Bởi mua ở các trung tâm mua sắm họ hoàn toàn có thể đặt trên các trang mạng.

Đây cũng là thực tế tại điểm bán hàng quà tặng trong Siêu thị Vincom hiện nay. Theo ông Phạm Tất Thịnh, quản lý quầy hàng bán sản phẩm Ocop, sản phẩm vùng miền tại siêu thị Vincom, quầy đang giới thiệu 700 sản phẩm nông sản, quà tặng. Khách mua chủ yếu là người thành phố mua đi làm quà, còn khách du lịch không nhiều, hầu hết có tâm lý thích mua tại các điểm mà họ đến tham quan, trải nghiệm.

Theo chân du khách

Tuyên Quang đang mùa lễ hội, đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên – một trong những lễ hội lớn nhất trong năm – thu hút rất lớn khách du lịch. Theo ước tính của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mùa lễ hội tháng 8 tỉnh thu hút khoảng 300 nghìn khách du lịch đến với Tuyên Quang, dự báo lễ hội năm nay có khả năng tăng 20 – 30% có thể còn cao hơn nữa. Đây là cơ hội rất lớn để các chủ thể giới thiệu, quảng bá, lan tỏa giá trị sản phẩm quà quê đi xa.

Người dân và du khách chọn mua các sản phẩm quà lưu niệm tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tổ chức tháng 8/2024 tạixã Chân Sơn (Yên Sơn)

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng: Để nâng mức độ hấp dẫn du khách, Tuyên Quang cần chú ý tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh hoặc từ chính những sản phẩm đã được định hình ở địa phương thời gian qua. Chẳng hạn: huyện Na Hang với hàng trăm món ăn, sản phẩm OCOP đã được chứng nhận từ 3 – 4 sao; hay huyện Sơn Dương với các sản phẩm quà gắn liền với vùng đất chiến khu cách mạng… Các địa phương cần tăng cường tính lan tỏa, tạo chuỗi sản phẩm, khai thác sâu hơn các chi tiết trong từng sản phẩm gắn với đặc thù vùng đất, con người, có nhiều điểm nhấn hơn nữa để vừa tránh trùng lặp, vừa tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm, thu hút du khách.

Để phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP tỉnh đã và đang thực hiện các chương trình hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu; đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn; hỗ trợ điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện, thành phố cũng đang cùng làm việc, xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch lớn.

Hy vọng, chiến lược này, cùng với sự linh hoạt, nhanh nhạy của các cơ sở sản xuất, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của du lịch Tuyên Quang, món quà quê, sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ là món quà ý nghĩa níu chân du khách.

Đoàn Thư

Báo Tuyên Quang cuối tuần – cuoituan.baotuyenquang.com.vn