Trong những năm qua, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP là 1 trong 6 chuyên đề trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và ban hành quyết định triển khai, tạo động lực để thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước. Đối với Cao Bằng, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã lan tỏa rộng khắp.

Toàn tỉnh hiện có 144 sản phẩm OCOP, gồm: 13 sản phẩm OCOP 4 sao và 131 sản phẩm OCOP 3 sao thuộc 4 nhóm sản phẩm: 124 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 11 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 6 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch với 91 chủ thể, trong đó, 27 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác, 10 doanh nghiệp, 47 hộ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, rất nhiều sản phẩm OCOP mang đậm hương vị ngày tết như: miến dong, lạp sườn, thịt hun khói, gạo nếp Ong, nấm hương, bánh khảo… Các sản phẩm OCOP đều được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Thanh Mẫn khẳng định: Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những chuyển biến mới, đồng bộ trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm bước đầu được thực hiện chặt chẽ, công khai, kết quả đánh giá tạo được uy tín, thuyết phục người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Thông qua Chương trình OCOP, các sản phẩm có nhiều thay đổi về chất lượng, bao bì, nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất. Thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã, các chợ địa phương và bán cho thương lái nay được mở rộng, đưa vào đại lý, siêu thị ở trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Các sản phẩm OCOP của địa phương được trưng bày tại các hội chợ, gian hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh.
Các sản phẩm OCOP của địa phương được trưng bày tại các hội chợ, gian hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh

Anh Nguyễn Văn Hưng, phường Tân Giang (Thành phố) chia sẻ: Cuộc sống ngày càng nâng cao, người dân chú trọng hơn đến sức khỏe nên những sản phẩm sạch, có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng luôn được khách hàng quan tâm và sản phẩm OCOP sẽ là lựa chọn đầu tiên khi người dân đi mua sắm.

Để các sản phẩm OCOP tiếp tục phát huy được lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể OCOP chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng ISO, chứng nhận VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nguồn cung ổn định, giúp chủ thể kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm OCOP bền vững, hiệu quả.

Hỗ trợ các chủ thể ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu bảo quản sản phẩm. Định hướng cho chủ thể về việc nâng cao giá trị sản phẩm, không chạy đua theo số lượng mà cần nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó chú trọng nâng cấp bao bì, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm tiện dụng, nâng cao được giá trị sản phẩm. Tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, như: Livestream bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội facebook, tik tok…; liên kết đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, ocop247.vn…).

Thực hiện Chương trình OCOP, mục tiêu của tỉnh hướng đến việc phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, đưa kinh tế địa phương phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mỗi sản phẩm OCOP được công nhận là những viên gạch để tỉnh xây dựng một nền nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Minh Hòa
Báo Cao Bằng điện tử – baocaobang.vn