Đua xe đạp nước trên hồ Xuân Hương. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Kết quả thực hiện cho thấy Nghị quyết đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, lượng khách du lịch đến Đà Lạt – Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức bình quân 9,5%, trong đó tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế đạt 28,4%. Từ ngành du lịch, số lượng lao động có công việc ổn định lên tới 11.700 người. Đáng chú ý là hệ thống các trường đào tạo về du lịch ngay tại thành phố Đà Lạt với 2 trường đại học và 4 trường cao đẳng đã đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực ngành.
Bên cạnh việc khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống địa phương như du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng… tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn để thu hút khách du lịch như Festival Hoa Đà Lạt, Tuần lễ văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc… Tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch canh nông với 30 điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, trà, rau, hoa; du lịch mạo hiểm như leo núi, vượt thác, xe đạp địa hình; triển khai đề án “Bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch”…
Hiện tại, sân bay Liên Khương đang khai thác 7 tuyến nội địa đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ và 3 tuyến bay quốc tế đi Vũ Hán (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) và Jeju (Hàn Quốc) với tần suất 30 chuyến/ngày. Ngoài ra, sân bay Liên khương còn thí điểm một số tuyến bay charter quốc tế phục vụ du lịch đi các nước Thái Lan, Trung Quốc, Sigapore, Hàn Quốc, Campuchia… Thông qua các đường bay quốc tế mới mở, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã xây dựng các tour, tuyến mới, phục vụ nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng trong nước và thu hút khách quốc tế tới Lâm Đồng.
Với phương châm đưa du lịch Lâm Đồng trở thành điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng”, tỉnh đã triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Các doanh nghiệp du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng có ý thức hơn về đạo đức kinh doanh, bảo vệ môi trường tự nhiên – xã hội, góp phần phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững.
Để Nghị quyết của Đảng về phát triển du lịch tiếp tục đi vào cuộc sống, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư du lịch, nhất là các dự án tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; triển khai Đề án “Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch đến năm 2025”; đẩy mạnh công tác vận động toàn dân nêu cao ý thức trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Tỉnh cũng chú trọng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, vừa phục vụ xã hội, vừa cho nhu cầu phát triển du lịch; xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và số lượng. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm trên địa bàn Đà Lạt – Lâm Đồng.
Chu Quốc Hùng