Dự án Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) với kinh phí gần 20,8 tỉ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Đây là Dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025.
Công trình không gian sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc đang được hoàn thiện
Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới được xây dựng tại khu bảo tồn sim thuộc xã Hồng Thượng. Làng có quy mô diện tích 5ha và tổng kinh phí đầu tư gần 20,8 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025.
Dự án được khởi công từ tháng 5/2023 và thi công trong vòng 18 tháng. Đến nay, các công trình chính của dự án đã được xây dựng và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, như: Khối nhà sinh hoạt cộng đồng chung; Nhà sinh hoạt truyền thống của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu; thi công đường giao thông… Các hạng mục phụ trợ như sân vườn, điện, nước, cảnh quan cây xanh… cũng đã cơ bản hoàn thành.
Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, địa phương và các ngành liên quan đang đốc thúc đơn vị thi công để công trình hoàn thành theo tiến độ. Dự kiến, tháng 9.2024, Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới sẽ được khánh thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Theo đó, địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng tại đây.
Huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2, trong đó cân nhắc xem xét đưa một số hộ dân tiêu biểu, am hiểu giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống của các dân tộc vào sống trong khu vực dự án để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào.
Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới có quy mô 5ha được xây dựng tại xã Hồng Thượng
Làng văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới được triển khai nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu và nhóm địa phương Pa Cô, Pa Hy (thuộc dân tộc Tà Ôi); phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa của người dân và du khách… Đồng thời, dự án được xây dựng còn mở ra điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị các nghề truyền thống tại A Lưới, góp phần phát triển kinh tế xã hội và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đây cũng là nơi tái hiện cảnh sinh hoạt đời thường, phong tục tập quán, văn hoá lễ hội và bảo tồn nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt Dèng và các tri thức dân gian được bảo tồn và phục dựng…
Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới, ngành văn hóa sẽ tổ chức nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, tái hiện nét đẹp, cảnh sinh hoạt trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, nhóm Pa Cô, Pa Hy… Qua đó, tạo điểm nhấn để kết nối du khách đến tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới.
Những lễ hội truyền thống và nét đẹp sinh trong đời sống của đồng bào các dân tộc sẽ được tái hiện, tổ chức tại Làng văn hóa
Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới đã và đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp trải nghiệm cảnh quan sinh thái và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tà Ôi, nhóm Pa Cô… Nổi bật như: Làng du lịch sinh thái cộng đồng ở A Nôr (xã Hồng Kim); mô hình du lịch cộng đồng ở A Roàng (xã A Roàng); điểm du lịch sinh thái suối Pâr Le (xã Hồng Hạ)… Kỳ vọng tương lai Làng văn hóa truyền thống cũng sẽ trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách.
Ngọc Ánh
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn