Bà Ngô Thị Ái Hương – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho biết, những năm gần đây, du lịch cộng đồng của địa phương được thị xã, tỉnh quan tâm đầu tư, hỗ trợ và gặt hái được những thành công nhất định về chất lượng, sự lan tỏa và triển vọng. “Để bảo tồn, phát huy các giá trị, xây dựng thương hiệu, tạo lối đi riêng cho du lịch cộng đồng, Hương Thủy đang kết hợp nhiều giải pháp dựa trên những yếu tố con người, quy hoạch, đầu tư, vận hành và quảng bá, trong đó, yếu tố truyền tải, quảng bá là khâu cuối cùng, quyết định sự “sống còn của du lịch”, bà Hương chia sẻ.
Đến năm 2025, Hương Thủy phấn đấu có thêm 1-2 điểm được công nhận điểm du lịch cộng đồng, hoàn thiện chương trình, tour tham quan, trải nghiệm giữa điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh) với du lịch cộng đồng thôn Buồng Tằm, kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái thác Đá Dăm (xã Dương Hòa) và một số điểm khác trên địa bàn thị xã. Cũng đến năm 2025, du lịch Hương Thủy phấn đấu thu hút khoảng 250 ngàn lượt khách (du lịch cộng đồng 150 ngàn lượt khách); doanh thu từ du lịch đạt khoảng 400 tỷ đồng, trong đó, du lịch cộng đồng đạt khoảng 200 tỷ đồng.
Cơ sở để du lịch Hương Thủy đề ra mục tiêu này chính từ những nỗ lực của Thủy Thanh với nhiều mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả, nhất là lễ hội “Chợ quê ngày hội”, “Chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn” đã thu hút lượng du khách năm nay tăng đột biến, và xã Dương Hòa – một trong những địa phương của Hương Thủy hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng có chiều sâu, bền vững khi có nhiều điểm tham quan thú vị như hệ thống di tích chợ Kháng chiến, bia Chiến khu Dương Hòa, suối thác Đá Dăm, Khe De, lòng hồ Tả Trạch, du lịch thác Chín Chàng…, trải nghiệm nghề truyền thống như chẻ tăm hương, đan lát, làm chổi bằng cây lồ ô…
Để giúp các hộ dân đang kinh doanh ngành nghề du lịch trên địa bàn phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn, tại Vườn Xanh Homestay (xã Dương Hòa) và Vân Thê Garden (xã Thủy Thanh), Hương Thủy đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho các hộ dân dưới sự hướng dẫn, truyền nghề của các nghệ nhân, giảng viên Trường cao đẳng Du lịch Huế, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh…, như: chằm nón, chẻ tăm hương, làm chổi bằng cây lồ ô; làm bánh chưng, bánh tét; chế biến, trình bày, trang trí món ăn, đặc sản địa phương; hò giã gạo, hò bài chòi…
Từ việc truyền nghề cùng kỹ năng, kiến thức được chia sẻ, người dân làm du lịch cộng đồng đã nhanh chóng thích nghi, tự tin, chuyên nghiệp hơn trong tiếp cận, thực hành và phục vụ du khách. Đây cũng là cơ sở để người dân chung tay trong việc phục dựng, duy trì, phát triển nghề truyền thống; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch và thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.
“Để phát triển du lịch cộng đồng xứng với tiềm năng, bên cạnh tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng…, thị xã sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch; đơn giản các thủ tục hành chính, hỗ trợ kinh phí để người dân phát triển các mô hình, sản phẩm du lịch, nghề truyền thống”, bà Hương cho biết thêm.