Để nâng cao giá trị cho cây sen trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, việc phát triển chuỗi liên kết từ chọn vùng trồng, giống, kỹ thuật chăm sóc đến sản xuất chế biến và làm du lịch... đang được các địa phương, doanh nghiệp và các ngành liên quan ưu tiên thực hiện. Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt là đơn vị được đặt hàng chủ trì thực hiện dự án khoa học công nghệ này.
Nhiều dòng sản phẩm từ sen Huế được hình thành thông qua liên kết chuỗi

Phát triển sản phẩm chủ lực

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn hiện trồng khoảng 650ha sen, chủ yếu tập trung ở các huyện Phong Điền, TX. Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, TX. Hương Thủy. Sen là sản phẩm nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thời gian qua, do tác động của dịch hại, thời tiết khắc nghiệt và môi trường nước ô nhiễm, các giống sen đã và đang suy giảm về số lượng lẫn chất lượng. Có những giống sen địa phương với nhiều đặc tính quý, có nguồn gốc lâu đời như: Sen trắng Đại Nội Huế, sen hồng Gia Long, sen hồng Phú Mộng… ngày càng hạn hữu, có nguy cơ mai một.

Đã có những nghiên cứu về sen tại Huế, như: Đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn giống sen Huế tại Thừa Thiên Huế” do PGS.TS Hoàng Thị Kim Hồng làm chủ nhiệm đã tập trung điều tra, thu thập mẫu, xác định được các giống sen đang tồn tại và phát triển ở Thừa Thiên Huế; Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã nghiên cứu xây dựng thành công quy trình kỹ thuật nhân giống sen và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch sen do giảng viên Lê Khắc Phúc chủ nhiệm và đã áp dụng thành công ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu xác định một số loại sâu, bệnh chính gây hại và các biện pháp phòng trừ trên cây sen (sen Huế và sen cao sản) tại Thừa Thiên Huế”… Ngoài ra, tỉnh đang hỗ trợ phát triển các sản phẩm từ sen, logo nhãn hiệu sen Huế với slogan “Sen Huế – Kết tinh miền Hương Ngự”, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đầu tư phát triển mô hình sen giống, hình thành các tour du lịch sinh thái gắn liền với các mô hình trồng sen…

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, mặc dù đã có những nghiên cứu về sen, hình thành các sản phẩm từ sen Huế được người dân, du khách và các thị trường đón nhận, nhưng để phát huy và tăng giá trị sen Huế lên một bậc cao hơn cần chú trọng đến việc đa dạng, cải tiến mẫu mã và tạo ra các dòng sản phẩm cao cấp.

Nhu cầu về giống sen cũng đòi hỏi cần thành lập các đơn vị, trung tâm sản xuất giống sen để chủ động nguồn giống cung ứng cho các địa phương. Theo “Kế hoạch phát triển trồng cây sen giai đoạn 2021 – 2025” của tỉnh, đến năm 2025 ổn định diện tích đạt 745ha, trong đó, sen cao sản lấy hạt khoảng 85 – 90% diện tích, sen địa phương (sen Huế) từ 10 – 15% diện tích; năng suất bình quân 18 – 20 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200 – 1.400 tấn hạt/năm.

Tăng giá trị từ liên kết chuỗi

Qua kết quả điều tra của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt khi thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cây sen tại Thừa Thiên Huế theo chuỗi liên kết”, kênh tiêu thụ chính hiện nay tại các địa phương là thương lái thu mua và tiêu thụ (56,9 – 93,5%). Trong khi đó, bán lẻ chỉ tập trung tại TP. Huế chiếm 29,2% thị phần và các địa phương khác từ 4,7 – 10,9%, bán cho công ty chiếm tỷ lệ ít từ 0,3 – 13,9%. Khảo sát từ người trồng, chỉ số đánh giá đầu ra không ổn định vẫn còn chiếm khá cao. Điều này cho thấy, cần hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm sen.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt cho biết, thực hiện dự án, đơn vị đã liên kết với một số địa phương, trường đại học, các ngành: KHCN, du lịch, nông nghiệp xây dựng và vận hành chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, kết hợp các tour du lịch trải nghiệm để khách hàng biết và hiểu rõ về sen Huế; đẩy mạnh làm các sản phẩm quà tặng, sản phẩm cao cấp từ sen Huế…

Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Hữu Cơ Huế Việt đã thực hiện mô hình sản xuất giống và sản xuất sen thương phẩm. Kết quả mô hình sản xuất sen thương phẩm có kết hợp với khách du lịch, thu hoạch hoa làm trà cho hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình đối chứng của người dân sử dụng giống sen cao sản để sản xuất. Lãi ròng đạt 25,47 triệu đồng/ha, với doanh thu 105,22 triệu đồng/ha. Mô hình đối chứng của người dân có doanh thu đạt 74,94 triệu đồng/ha, sau khi trừ công lao động, chi phí, lãi ròng đạt –7,14 triệu đồng, có nghĩa mô hình của người dân chỉ lấy công làm lãi (với chi phí công được tính 40 triệu đồng/ha).

Dự án cũng xây dựng được mô hình sơ chế, chế biến các sản phẩm từ sen đạt tiêu chuẩn an toàn, gồm: Sản phẩm hạt sen sấy khô, hạt sen sấy ăn liền, trà lá sen túi lọc (trà sen thảo mộc), trà ướp hương sen. Bộ sản phẩm từ sen này đã được nhóm dự án sản xuất thành công, bước đầu được khách hàng đánh giá có sự khác biệt rõ rệt so với các sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường.

Theo đánh giá của đại diện Sở Du lịch, mô hình sản xuất sen kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm được thực hiện bước đầu tạo sự lan tỏa cho thương hiệu, hình ảnh sen Huế, thông qua các hoạt động phối hợp tổ chức tại các phiên chợ quê ‘”Hương xưa làng cổ” ở Làng cổ Phước Tích (Phong Điền) và thí điểm dịch vụ thưởng trà không thu phí, lễ hội sen Huế tại hồ Tịnh Tâm… Qua đó, giúp quảng bá cho du lịch và thương hiệu sen Huế, tạo thêm các điểm đến du lịch, dịch vụ, việc làm, thu nhập cho người dân trong vùng.

Bài, ảnh: Hoài Thương
Báo Thừa Thiên Huế – baothuathienhue.vn