Từ ngàn xưa Hà Nội là vùng đất “Tụ khí anh hoa”, “Địa linh nhân kiệt” nay lại trở thành “đất trăm nghề”, với những địa danh và con người đi vào lịch sử. Nhiều sản phẩm làng nghề đã được nâng tầm, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.
Là địa phương có sản phẩm 5 sao Top đầu cả nước
Hiếm có một địa phương nào có số lượng làng nghề truyền thống nhiều như Hà Nội, với 42/57 làng nghề truyền thống của cả nước; với 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề truyền thống đã được công nhận.
Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có hơn 1.100 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, gần 1.700 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đầu năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương đã thống nhất có 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, trong đó, Hà Nội có “Chăn bông tơ tằm tự dệt” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức; “Gốm men Suối Ngọc” của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh.
Tính đến nay, Hà Nội đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao. Đó là các sản phẩm OCOP được Bộ NN&PTNT chứng nhận đạt 5 sao và là địa phương có số lượng sản phẩm 5 sao tốp đầu cả nước. Trong đó, có 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh; 1 sản phẩm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức và 1 sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh.
Năm 2020, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao. Đó là “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen”. Các sản phẩm OCOP 5 sao này có sự kết hợp giữa thủ công và công nghệ. Thủ công ở việc tạo hình các họa tiết, làm nên tính độc đáo và tính thẩm mỹ cao.
Trong mỗi sản phẩm, doanh nghiệp đều khéo léo truyền tải nét văn hóa của người Việt, như hình tượng hoa sen, rồng phượng, chim én… Để mỗi sản phẩm đạt đến sự hoàn mỹ, bên cạnh làm thủ công, công ty sử dụng máy móc để tạo hình, kiểm soát chất lượng, giúp sản phẩm có độ mịn, an toàn cao, không cong vênh, nứt mẻ…
Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh chia sẻ, sản phẩm được đánh giá, phân hạng 5 sao là vinh dự lớn, để doanh nghiệp củng cố, phát triển thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước… Hơn 80% sản phẩm gốm sứ Quang Vinh được dành xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đến cả các thị trường khó tính nhất, như: Đức, Mỹ, Nhật, Đan Mạch…
“Cú hích” làm đổi mới tư duy sản xuất
Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, Chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế nông thôn nói riêng; phát triển sản phẩm OCOP để phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn;
Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là “cú hích” làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Với tiềm năng thế mạnh vùng đất “trăm nghề” Hà Tây hợp nhất với Hà Nội giúp Thủ đô có tổng số làng nghề chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Giá trị sản xuất làng nghề hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm.
Để phát huy lợi thế này, TP. Hà Nội sẽ triển khai xây dựng tối thiểu 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp thành phố theo đúng quy định, phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.
Ngoài ra, Thành phố sẽ thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra của Chương trình OCOP đến năm 2025 của Thành phố và Trung ương.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP Thành phố.
Thành Nam
Cổng TTĐT Chính phủ/Trang Thủ đô Hà Nội – https://thanglong.chinhphu.vn/