Thái Nguyên: TP. Thái Nguyên – Chú trọng quản lý chất lượng sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng các sản phẩm OCOP, thành phố chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.


Đại diện HTX Hương Vân Trà (phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên) giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX với khách hàng

TP. Thái Nguyên hiện có 37 sản phẩm OCOP (chủ yếu là chè búp khô), trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia, 26 sản phẩm 4 sao, 10 sản phẩm 3 sao. Trong số 19 chủ thể OCOP có 4 doanh nghiệp, 14 HTX và 1 hộ sản xuất – kinh doanh. Để quản lý chất lượng các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn. Nội dung kiểm tra tập trung vào hồ sơ sản phẩm; việc sử dụng bao bì, nhãn mác, logo OCOP; quy trình sản xuất, vệ sinh môi trường, điều kiện an toàn thực phẩm; liên kết, phát triển vùng nguyên liệu, kiểm soát chất lượng sản phẩm…

Theo đại diện phòng chuyên môn của TP. Thái Nguyên, trung bình 1-2 lần/quý, thành phố sẽ phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP và có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu. Qua đánh giá, hầu hết chủ thể OCOP đã duy trì sản xuất theo đúng các tiêu chí đánh giá, phân hạng, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy vẫn tồn tại việc sử dụng bao bì, nhãn mác, logo sản phẩm OCOP chưa đảm bảo theo quy định, mục đích, thiết kế đã đăng ký tại một số cơ sở; một số ít sản phẩm OCOP đến hạn chưa hoàn thiện các thủ tục gia hạn; việc niêm yết quy trình vệ sinh ở một số nhà xưởng chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra… Đối với những tồn tại này, cơ quan chức năng đã hướng dẫn cụ thể, nhắc nhở để các cơ sở kịp thời khắc phục, hoàn chỉnh điều kiện, thủ tục theo quy định.


Đóng gói sản phẩm chè đã được chứng nhận OCOP tại HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên)

Cùng với công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước, thời gian qua, các chủ thể sản xuất – kinh doanh sản phẩm OCOP cũng đặc biệt chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chị Tạ Thị Hồng Anh, Giám đốc điều hành HTX Hương Vân Trà (địa chỉ tại đường Việt Bắc, phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên) chia sẻ: HTX hiện có 3/5 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng tôi đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, sản phẩm đầu vào từ các thành viên theo ngày. Để bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tránh việc có đối tượng xấu giả mạo nhãn hiệu, với tất cả sản phẩm bán ra, HTX đều dán tem chứng nhận OCOP, tem truy xuất nguồn gốc và mã vạch đầy đủ.

Còn theo chị Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Kim Thoa (xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên): Mỗi năm 2 lần, cơ quan chức năng sẽ ngẫu nhiên lấy mẫu sản phẩm OCOP đi kiểm tra. Trong trường hợp sản phẩm vi phạm các quy định sẽ xử lý nghiêm và có thể bị thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Thêm nữa, do HTX đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên chúng tôi đặc biệt chú trọng đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao hiện có.

Để đảm bảo và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP, TP. Thái Nguyên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kiến thức sản xuất an toàn; phương pháp phát triển sản phẩm, bao bì, nhãn mác; hỗ trợ chuyển đổi số; hỗ trợ các điểm bán và giới thiệu sản phẩm… Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của thành phố đều được quảng bá, kinh doanh trên 2 sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart. Thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm đã được đánh giá và công nhận; tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, thương hiệu OCOP của địa phương…

Chung An

Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn