Thái Nguyên: Thay đổi tư duy về phát triển du lịch cộng đồng 

Du lịch cộng đồng là một trong 4 dòng sản phẩm chính mà tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực xây dựng, quảng bá nhằm định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công bền vững, du lịch cộng đồng không thể phát triển tự phát. Bên cạnh đó, những nguyên tắc về gìn giữ giá trị bản địa, bảo vệ môi trường sinh thái và chia sẻ lợi ích luôn là bất biến. Trong đó, điều quan trọng chính là những chủ thể đang tham gia thực hiện mô hình phát triển du lịch cộng đồng phải thay đổi tư duy.

Thái Nguyên chưa có nhiều mô hình du lịch cộng đồng nổi bật và hấp dẫn du khách

Theo các chuyên gia, làm du lịch cộng đồng cần hướng tới tư duy sáng tạo, chứ không chạy theo xu hướng ngắn ngày để sinh lời ngay. Tại Thái Nguyên, ngoài Không gian văn hóa trà và vùng chè đặc sản Tân Cương hay Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thì vẫn chưa thật sự có nhiều mô hình du lịch cộng đồng nổi bật và hấp dẫn du khách. Không ít hộ dân và cơ sở dịch vụ còn đang phải loay hoay vì thiếu nguồn lực hoặc kiến thức về du lịch cộng đồng

Ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho biết: “Chúng ta phải nhìn nhận ở đây là hệ sinh thái về phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng của Thái Nguyên rất là nổi tiếng và đầy tiềm năng. Chỉ có điều là tỉnh Thái Nguyên chưa chú trọng nhiều trong việc định hướng cũng như là định vị thương hiệu du lịch”.

Tiến sĩ Chu Thành Huy, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên nhận định: “Cái hạn chế lớn nhất hiện nay là chất lượng nguồn lao động tại các điểm du lịch cộng đồng hay là các hợp tác xã. Để giải quyết vấn đề này thì về phía các cơ quan ban ngành, các cơ quan quản lý của tỉnh cần tạo điều kiện để tổ chức các lớp tập huấn, thực tế thì sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng có hạn thôi và quan trọng nhất là bản thân các hợp tác xã, khi họ xác định du lịch là một cái hướng trong cái hoạt động kinh doanh của họ thì họ phải đầu tư mạnh hơn nữa về đào tạo nhân lực”.

Ông Lương Hoàng Thái, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Phú Thượng, huyện Võ Nhai: “Người dân hiện nay đang chưa định hướng được cái phát triển du lịch cộng đồng cần mang tính chất lâu dài, bền vững. Họ muốn một cái gì đó phải có luôn và ngay nên là cái đầu tư ban đầu về cái sự đoàn kết trong cộng đồng vẫn còn đang thiếu. Về Hợp tác xã thì đang khó khăn ở chỗ là du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn đang là mới nên việc học hỏi kinh nghiệm và các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang rất là thiếu”.

Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, Thái Nguyên cần tiếp tục có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt…

Làm sao để mô hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững và nổi bật. Đó là khi phải đảm bảo các yếu tố kinh tế và phi kinh tế, giúp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, phải làm cho du khách có cảm giác như “về nhà”, được thoải mái trải nghiệm, khám phá trong một không gian gắn kết. Hiện tại, nhiều địa phương và HTX du lịch cộng đồng trên địa bàn đang nỗ lực phát huy lợi thế và xây dựng các sản phẩm du lịch bản địa đặc trưng nhằm hấp dẫn du khách.

Ông Triệu Tiến Tư, Giams đốc HTX Du lịch cộng đồng Quân Chu, huyện Đại Từ chia sẻt: “Chương trình mang tính lễ hội trước đây tổ chức có quy mô nhỏ lẻ và chưa có tính liên kết với các đơn vị khác. Thời gian tới chúng tôi muốn có sự quan tâm hơn nữa của Đảng, chính quyền, qua đó sẽ tổ chức được những chương trình, những lễ hội lớn hơn, quy mô hơn”.

Trong quá trình làm mới sản phẩm du lịch cộng đồng thì việc chủ thể vận hành các mô hình là người dân trong cộng đồng được trao quyền chủ động và khuyến khích thay đổi tư duy, cách nghĩ là vấn đề quyết định sự bền vững của mô hình du lịch. Tại Thái Nguyên, nhiều HTX Du lịch cộng đồng đang nỗ lực xây dựng sản phẩm OCop gắn với mô hình du lịch cộng đồng sẽ là một kênh truyền thông giúp nâng tầm và tạo dấu ấn cho sản phẩm du lịch trong lòng du khách.

Ông Lương Hoàng Thái, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Phú Thượng, huyện Võ Nhai: “Khi họ biết đến sản phẩm OCOP thì họ sẽ biết đến du lịch cộng đồng. Hiện tại thì HTX nông lâm nghiệp Phú Thượng có một sản phẩm đạt OCOP ba sao là sản phẩm bánh Khẩu si và tiến tới là Na Phú Thượng, ổi Phú Thượng và đặc biệt tới này du lịch cộng đồng Mỏ Gà cũng đang hướng tới là du lịch OCOP”.

Bà Vũ Thị Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo: “Các hợp tác xã phải nâng cao về mặt giá trị, phải biết kể những câu chuyện gắn với những câu chuyện văn hóa cũng như là câu chuyện sản phẩm của mình, làm cho câu chuyện và cũng như sản phẩm của mình hấp dẫn và dễ đến gần hơn với người tiêu dùng và với du khách”.

Sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam, du lịch cộng đồng ngày càng được mở rộng trên cả nước, phát triển mạnh nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc trong đó có Thái Nguyên. Nhưng để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, Thái Nguyên cần tiếp tục có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt… có chuyên gia tư vấn, hỗ trợ, nhằm định hướng người dân bản địa giữ gìn các giá trị cốt lõi của cộng đồng, đồng thời tôn tạo và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy./.

Kim Tuyến, Huy Dũng, Tuấn Anh

Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh Thái Nguyên – thainguyentv.vn