Du khách tham quan một đồi chè tại Thái Nguyên
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, những thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã trở thành điểm tựa vững chắc để Thái Nguyên phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Qua đó, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mới, đa dạng phục vụ nhu cầu của du khách, góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, không chỉ góp phần đa dạng hóa hoạt động thương mại, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm.
Vùng đất “Đệ nhất danh trà” không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, mà còn nổi tiếng với những đồi chè xanh ngút ngàn trên những vùng chè đặc sản như Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài… Cùng với đó, du khách đến với Thái Nguyên sẽ được thưởng thức những tinh hoa ẩm thực địa phương, đó là bánh chưng Bờ Đậu, cơm lam Định Hóa, trám đen Hà Châu, đậu phụ Bình Long, tôm cuốn Thừa Lâm, bánh Coóc Mò, măng đắng Ngàn Me, tương nếp Úc Kỳ… Đó chính là nguồn lực quan trọng để Thái Nguyên phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là khai thác, phát triển du lịch nông thôn mới.
Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên có một sản phẩm chè được công nhận OCOP năm sao, hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ba và bốn sao. Để quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ chè, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng không gian văn hóa trà, cảnh quan để du khách thưởng trà, tham quan, chụp ảnh nương chè. Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt Đào Thanh Hảo chia sẻ: “Hằng ngày, chúng tôi bố trí nhân viên pha trà để du khách thưởng thức, hướng dẫn du khách tham quan không gian văn hóa trà, trải nghiệm quá trình chăm sóc, thu hái, chế biến chè. Qua đó, không chỉ làm cho du khách hiểu về nghề chè, con người, vùng chè Tân Cương mà còn góp phần tích cực quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm chè của hợp tác xã”.
Cứ vào dịp Tết, Rằm tháng Giêng, tháng 7, đồng bào người Tày, người Sán Chay ở xã Tức Tranh và xã Vô Tranh, huyện Phú Lương lại tổ chức gói bánh. Cùng với bánh trưng, bánh dày, trên mâm cỗ không thể thiếu món bánh ngải và bánh chim. Bánh ngải được làm từ gạo nếp vải Phú Lương, lá ngải cứu luộc chín, giã nát trộn với gạo và gói bằng lá chuối. Bánh chim có thể dùng nếp thường hay nếp cẩm, nhưng điều không thể thiếu đó là vỏ bánh được đan, cắt tỉa kỳ công từ lá cây dứa dại. “Từ lúc tôi sinh ra, lớn lên đã có bánh này. Mẹ, người già trong làng gói thì tôi xem xong rồi học gói”, chị Trần Thị Sâu, ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, người dân tộc Sán Chay cho biết. Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, ở xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, Phó Giám đốc chè Đạt Phát chuyên kinh doanh các đặc sản địa phương, kết hợp với du lịch homestays cho hay, bánh ở vùng này có một hương vị đặc biệt mà không nơi nào có được, đây cũng chính là món ăn yêu thích mỗi khi du khách ghé thăm vùng đất này: “Tiềm năng của Vô Tranh đó là bánh ngải đặc sản. Các cụ làm bánh lâu đời rồi tiềm năng phát triển ra thị trường rất tốt vì bánh rất ngon, là đặc sản của xã Vô Tranh”.
Từ lâu đời, cây chè gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên, không chỉ là loại cây chủ lực, làm giàu cho người dân mà với địa thế đồi thấp lúp xúp, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, nương chè được trồng, thiết kế đẹp, ngăn nắp, thưởng trà ngon, cảnh quan đẹp, thực sự là sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút ngày càng nhiều du khách. Tỉnh Thái Nguyên hiện có 173 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có hai sản phẩm OCOP năm sao. Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng cho biết: Các sản phẩm của tỉnh được công nhận tiêu chuẩn OCOP đều là những sản phẩm tiêu biểu, đặc sản, có chất lượng, gắn với tiềm năng, lợi thế, đặc thù của các địa phương. Thời gian tới, chúng tôi hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm OCOP nhằm quảng bá, hỗ trợ các các chủ thể tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững gắn với nông nghiệp, các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân, tỉnh Thái Nguyên xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về du lịch cộng đồng và Chương trình xây dựng nông thôn mới, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh để các chủ thể tích cực tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm OCOP trên địa bàn Thái Nguyên nhằm hỗ trợ, tương tác nhau cùng phát triển, hướng đến du lịch bền vững, du lịch xanh. Điều này không chỉ tạo nên sự phát triển hài hòa giữa văn hóa, du lịch, nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở địa phương.
Cả nước có khoảng trên 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Tuy nhiên, du lịch canh nông vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý. Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025). |
Bảo Đan
Báo Văn hóa điện tử – baovanhoa.vn