Thái Nguyên: Phát triển du lịch gắn với sản phẩm trà và văn hóa trà

Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư, khai thác phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái gắn với văn hóa trà. Việc này đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh Thái Nguyên, phát triển du lịch, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành chè.


Đồi chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ – điểm du lịch hấp dẫn du khách (Ảnh: Mạnh Thắng)

Một số điểm du lịch ở xã La Bằng (Đại Từ), xã Tức Tranh (Phú Lương), xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), xã Bình Sơn (TP. Sông Công), xã Phú Đình (Định Hóa), xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã thu hút đông đảo người dân, bước đầu tạo được ấn tượng trong lòng du khách khi có dịp trải nghiệm dịch vụ du lịch nơi đây…

Tại các địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đã có nhiều hộ gia đình xây dựng homestay, phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống; nhiều hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè đã chỉnh trang, chăm sóc những nương chè đẹp, đầu tư xây dựng khu vực chế biến, khu vực trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm trà được chế biến tinh, sâu, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, xây dựng không gian thưởng trà rộng rãi, đảm bảo phục vụ các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm.

Điều khác biệt so với các địa phương khác chính là, tại tỉnh Thái Nguyên hầu hết các hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái đều gắn với văn hóa trà. Trong đó một số điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận và đưa vào khai thác phục vụ du khách như: Không gian văn hóa Trà và vùng chè đặc sản Tân Cương (TP. Thái Nguyên); Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên); Làng văn hóa du lịch Bản Quyên (Định Hóa)… Các điểm du lịch này đều chú trọng hoạt động trải nghiệm vùng chè và giới thiệu văn hóa trà kết hợp với tham quan, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc địa phương. Điều này cho thấy, cây chè đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên, ngoài việc đem lại giá trị kinh tế lớn, cây chè còn là tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương.


Du khách trải nghiệm sản xuất chè tại cơ sở sản xuất trà Tiến Yên, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên)

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nhằm tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa trà, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, nâng cao giá trị, sức tiêu thụ sản phẩm trà, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương, Sở cùng với UBND các huyện, thành phố đã tích cực lồng ghép các hoạt động như lễ hội văn hóa trà, tham quan, trải nghiệm các vùng chè, làng nghề chè truyền thống vào các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức hàng năm tại các địa phương.

Trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã xác định việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh… việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, quảng bá thương hiệu trà Thái Nguyên đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Trà Thái Nguyên giờ đây không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch, quà tặng có giá trị, đặc trưng riêng có, sản phẩm trà Tân Cương được Hội Kỷ lục gia Việt Nam chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam, đây là lợi thế của Thái Nguyên để thu hút khách du lịch.

Năm 2022, UBND tỉnh đã công nhận điểm du lịch cộng đồng đối với 02 điểm du lịch cộng đồng tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), nhằm khai thác những lợi thế của địa phương về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa gắn với những nét sinh hoạt đời sống hàng ngày của bà con. Các sở, ngành chức năng của tỉnh đã xác định rõ những định hướng, giải pháp nhằm phát triển sản phẩm du lịch Thái Nguyên, đặc biệt là sản phẩm du lịch tại các vùng chè truyền thống. Về vấn đề này, ông Dương Văn Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hiện, tỉnh Thái Nguyên có 173 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 – 5 sao, trong đó chủ yếu là sản phẩm chè với 121 sản phẩm. Với định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.Việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ kết nối, tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, ngược lại du lịch góp phần quảng bá, tiêu thụ “mang thị trường đến trực tiếp vùng sản xuất”, nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.


Du khách trải nghiệm sản xuất chè tại xã La Bằng, huyện Đại Từ

Cũng theo bà Lê Thị Thu Hà, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai xây dựng, phát triển điểm du lịch cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng; đẩy mạnh tuyên tuyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử (website) và các kênh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội; chủ động liên kết, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức và đón các đoàn Famtrip từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà trên địa bàn tỉnh, qua đó xây dựng tour, tuyến, đưa khách đến Thái Nguyên; tích cực triển khai các hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút đầu tư phát triển du lịch, thu hút du khách đến Thái Nguyên.

Thu Hà
Cổng TTĐT tỉnh Thái Nguyên – thainguyen.gov.vn