Thái Nguyên: Đại Từ nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Với phần lớn các sản phẩm OCOP được làm từ chè, thời gian qua, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) và các chủ thể luôn quan tâm quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức. Qua đó góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng.
Hiện nay, HTX chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh (Đại Từ) có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, 1 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Trong ảnh: Các thành viên HTX chè Nhật Thức thu hái chè.

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Từ năm 2019 đến 2022, địa phương có 31 sản phẩm OCOP của 14 chủ thể được công nhận 3 sao, 4 sao. Để nâng cao giá trị sản phẩm, những năm qua, từ nguồn kinh phí của huyện phân bổ, chúng tôi đã hỗ trợ các chủ thể thiết kế bao bì, mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời khảo sát, hỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại trung tâm huyện và các xã.

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng phối hợp với một số cơ quan chuyên môn của tỉnh tập huấn cho các chủ thể về hình thức quảng bá sản phẩm, tham gia các chương trình hội chợ kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại… để sản phẩm OCOP của địa phương được nhiều người tiêu dùng biết đến và đón nhận.

Được thành lập từ năm 2017, HTX chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh, hiện có 40ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 7,8ha chè sản xuất theo quy trình hữu cơ. Ngoài ra, 10,2ha chè của 25 thành viên, HTX còn liên kết với các hộ dân trong xã, xây dựng vùng nguyên liệu 75ha. Bên cạnh việc áp dụng quy trình kỹ thuật trong từng khâu chăm sóc, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm trà, HTX luôn chú trọng đến quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Bà Đào Thị Thức, Giám đốc HTX chè Nhật Thức, chia sẻ: Được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn huyện, thời gian qua, sản phẩm trà của chúng tôi không ngừng được đầu tư, cải tiến về mẫu mã, bao bì sản phẩm. Huyện tạo điều kiện cho HTX tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài tỉnh, qua đó giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhiều hơn tới khách hàng.

Nếu như năm 2018, HTX chè Nhật Thức chỉ có vài sản phẩm trà với giá bán dao động từ 200-500 nghìn đồng/kg, thì nay HTX đã có 20 sản phẩm trà các loại, trong đó 2 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, 1 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, giá bán các sản phẩm dao động từ 250 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg. Thậm chí có sản phẩm trà cao cấp giá bán lên tới 3 triệu đồng/kg.

Đặc biệt, HTX còn có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đây chính là điều kiện giúp các sản phẩm của HTX có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bên cạnh việc quảng bá các sản phẩm trà theo hình thức truyền thống, HTX chè La Bằng, ở xã La Bằng (Đại Từ) còn thường xuyên bán hàng bằng hình thức livestream trên facebook.

Còn tại HTX chè La Bằng, bên cạnh việc duy trì bán hàng theo phương thức truyền thống như bố trí không gian trưng bày sản phẩm tại HTX để đón các đoàn khách đến địa phương tham quan, thưởng thức trà; xây dựng các đại lý giới thiệu và bán sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh… HTX đã chủ động áp dụng công nghệ 4.0 để quảng bá sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè La Bằng, thông tin: Thời đại công nghệ thông tin phát triển, rất thuận lợi cho những người làm kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Theo đó, với trên 30 sản phẩm trà các loại, chúng tôi đều quảng bá trên các sàn thương mại điện tử như lazada, voso, tictok…

HTX chè La Bằng còn xây dựng đội ngũ livestream bán hàng, hàng ngày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và chốt đơn trực tiếp trên facebook. Từ năm 2021 đến nay, khi tham gia bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, các sản phẩm trà của HTX giao dịch tăng lên từ 15-20% so với trước… Doanh thu của HTX năm 2022 đạt gần 6 tỷ đồng.

Anh Bùi Minh Tuấn, ở quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng cho hay: Trước đây, tôi thường hay mua chè ở một số đại lý trên địa bàn TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, qua nhiều lần mua, tôi thấy chất lượng chè không được ổn định. Biết đến HTX chè La Bằng qua một lần xem livestream bán hàng trực tiếp của HTX trên facebook, tôi đã đến và được chứng kiến quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói chè. Tôi thấy đây là quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng. Sau lần này, tôi sẽ thường xuyên đặt chè của HTX để uống và làm quà tặng.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Đại Từ, các sản phẩm OCOP của 14 đơn vị trên địa bàn đã được đưa lên quảng bá trên các sàn thương mại điện tử (như Voso, Shopee, Larada…), qua đó góp phần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là khẳng định năng lực của các chủ thể khi tham gia các kênh bán hàng hiện đại, trên nền tảng số; thúc đẩy tiêu dùng đối với các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh kết nối cung – cầu…

Thông qua đó cũng góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Đại Từ. Cụ thể, năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 2.306 tỷ đồng, tăng trên 270 tỷ đồng so với năm 2018; dự ước năm 2023 đạt gần 2.400 tỷ đồng.

Vi Vân
Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn