Thái Nguyên: Đa dạng hóa, nâng tầm sản phẩm từ cây chè

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích trên 22.200ha. Thời gian qua, cùng với sản xuất các sản phẩm chè khô truyền thống, một số hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn tìm tòi, cho ra nhiều sản phẩm có thành phần từ chè. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao giá trị và mở thêm hướng phát triển mới trong sản xuất chè của tỉnh.

Việc sản xuất bột trà xanh matcha góp phần để Hợp tác xã chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) nâng cao giá trị sản phẩm từ cây chè

Chúng tôi đến HTX chè Thịnh An (ở thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ) vào đúng ngày HTX đang sao sấy chè, với 25 chiếc máy vò, máy sao sấy hoạt động hết công suất. HTX chè Thịnh An thành lập từ năm 2016, hiện có 20 thành viên và liên kết sản xuất với 200 hộ dân khác trong thị trấn. Tổng diện tích chè của HTX là 70ha, trong đó 50ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 400 tấn chè búp tươi nguyên liệu. HTX đã có 6 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 3-4 sao.

Gần 2 năm nay, cùng với sản xuất chè búp khô truyền thống, HTX chè Thịnh An còn cho ra 2 sản phẩm mới là trà xanh túi lọc và bột trà xanh matcha. Pha ấm trà túi lọc mời chúng tôi, bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX, cho biết: Trà xanh túi lọc được HTX làm từ chè gãy vụn trong quá trình sao chè tôm nõn, còn bột trà xanh matcha từ những lá chè bánh tẻ (lá liền kề với những búp chè vừa hái xong). Do việc bảo quản của 2 sản phẩm này rất khó, chỉ để được 1-2 tháng nên HTX sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Hiện, mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường 100kg bột trà xanh matcha và 500 hộp trà túi lọc, khối lượng 0,05kg/hộp. Năm 2023, tổng doanh thu của các thành viên trong HTX đạt 11 tỷ đồng.

Tương tự HTX chè Thịnh An, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hùng Thái ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cũng sản xuất nhiều dòng sản phẩm, như: Trà xanh túi lọc, trà dược liệu, trà giảm cân, trà hoa quả, trà lắc bột, trà lắc nước đóng chai… Thành phần của các sản phẩm trên gồm cây thảo dược, mật ong và diệp lục tố được chiết xuất từ lá trà xanh.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hùng Thái (bên trái), giới thiệu sản phẩm trà lắc có thành phần trà xanh với khách hàng.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hùng Thái (bên trái), giới thiệu sản phẩm trà lắc có thành phần trà xanh với khách hàng

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty, cho biết: Mỗi năm Công ty sản xuất từ 300-500 tấn chè nguyên liệu. Các sản phẩm của công ty hiện được bày bán tại hàng nghìn siêu thị, khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng trên toàn quốc.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 243 HTX, doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh chè và 217 làng nghề chè. Năm 2023, sản lượng chè búp tươi của tỉnh đạt 267,5 nghìn tấn, tương đương 53,5 nghìn tấn chè búp khô, giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, ngoài sản xuất và cung ứng ra thị trường các loại chè búp khô truyền thống, nhiều đơn vị còn nghiên cứu, sáng tạo ra khoảng 50 sản phẩm khác nhau có thành phần từ chè tươi, chè khô, như: cá kho lá chè xanh; bánh, kẹo trà xanh; túi lọc bột trà xanh tắm gội cho trẻ em; bột trà xanh matcha; trà sữa hòa tan; trà thảo mộc; cao trà… Các sản phẩm trên được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, xóm Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương), chuyên chạy xe du lịch, cho biết: Tôi có thâm niên uống trà đến nay đã hơn 20 năm. Để luôn được tỉnh táo trong quá trình chở khách, trước đây tôi hay mang theo một túi chè khô và ấm pha trà. Nhưng nhiều khi tôi thấy rất bất tiện và mất nhiều thời gian nên đã chuyển sang dùng trà xanh túi lọc. Điều này rất tiện lợi, trong khi chất lượng vẫn như các sản phẩm chè khô truyền thống.

Còn chị Đỗ Thị Hiền (tổ 3, phường Phố Cò, TP. Sông Công) cho hay: Tôi thường tìm mua các loại kẹo lạc, kẹo dồi có thành phần trà xanh về ăn cũng như để biếu người thân quen. Ăn các loại kẹo trà xanh tôi cảm nhận được vị ngọt thanh và mùi thơm của chè.

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, chia sẻ: Chè là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm trà của tỉnh hiện đang đứng đầu cả nước. Việc các HTX nghiên cứu và sản xuất ra những sản phẩm có liên quan đến cây chè đã góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế cho cây trồng này. Từ hiệu quả đó, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các HTX mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư máy móc công nghệ để cho ra nhiều sản phẩm mới có liên quan đến chè; đồng hành với các HTX trong quá trình giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ những sản phẩm mới.

Vũ Công

Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn