Thái Bình: Nâng tầm sản phẩm OCOP hồng xiêm Lô Giang gắn với du lịch

Sản phẩm hồng xiêm Lô Giang (xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) sau khi được công nhận OCOP 3 sao được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn trước. Cấp ủy, chính quyền và các chủ vườn nơi đây đang tập trung phát triển các vườn hồng xiêm theo quy trình VietGAP gắn với phát triển du lịch nông thôn để nâng cao giá trị sản xuất của cây hồng xiêm, nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao


Dự kiến vụ hồng xiêm năm nay gia đình bà Cao Thị Nhan, xã Lô Giang thu nhập khoảng 90 triệu đồng.

Từ vài cây hồng xiêm cổ trong vườn, bà Cao Thị Nhan, thôn Hoàng Nông, xã Lô Giang đã mạnh dạn chuyển đổi 8 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả của gia đình trồng trên 40 cây hồng xiêm nhót. Bà Nhan rất chú trọng khâu chăm sóc theo đúng hướng dẫn của HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang để cây nào cũng sai quả, quả to, ngọt. 

Bà Nhan cho biết: Thường thì thu xong quả tôi tiến hành cắt tỉa, bỏ cành khô, cành cỗi. Tháng giêng, tháng 2 có mưa xuân, mỗi gốc hồng tôi bón 2 – 3kg phân lân để bảo đảm lứa quả sau sai, to, chất lượng hơn, bán được giá hơn. Thổ nhưỡng ở đây thích hợp, vì vậy cây hồng xiêm phát triển nhanh, quả có ruột đỏ, ăn ngọt mát, vị thơm đặc trưng khác với các loại hồng khác. 

Trước đây, ở Lô Giang mỗi nhà chỉ trồng vài cây nhưng khoảng 10 năm gần đây và đặc biệt là từ khi sản phẩm hồng xiêm đạt OCOP 3 sao, nhiều người biết đến, nhu cầu thưởng thức hồng xiêm tăng, nắm bắt cơ hội đó nhiều hộ chọn cây đầu dòng, chiết cành, cải tạo vườn nhà và chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả để trồng. Đến nay, cây hồng xiêm đã trở thành cây làm giàu của nhiều hộ dân nơi đây. 

Bà Lương Thị Chiến, thôn Phú Nông chia sẻ: Từ khi HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang liên kết với các đơn vị tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chiết cành, chăm sóc cây, thu hoạch quả… thì năng suất, chất lượng của hồng đều tăng, giá bán cao hơn, tiêu thụ tốt hơn. Thu nhập từ hồng xiêm gấp 10 lần cấy lúa. Gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Vừa qua, được tham gia lớp tập huấn phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển du lịch nông thôn, tôi thấy có rất nhiều kiến thức bổ ích, trong đó có cách xây dựng, cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Tôi sẽ nghiên cứu, học hỏi phát triển vườn hồng xiêm để thu hút các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm nhằm tăng thu nhập cho gia đình, qua đó quảng bá sản phẩm độc đáo của địa phương tới nhiều người hơn. 

Xã Lô Giang hiện có trên 30ha trồng hồng xiêm. Hồng xiêm cho thu hoạch một vụ/năm nhưng ra hoa, quả nhiều lứa nên thời gian thu kéo dài từ 6 – 7 tháng. Là loại cây trồng một lần cho thu hoạch hàng chục năm. Trung bình mỗi sào hồng xiêm thu trên 1 tấn quả/năm, thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng/năm. 

Ông Vũ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Giám đốc HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang cho biết: HTX đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ thành viên và bà con trong xã về cách chăm bón, phát triển các vườn hồng xiêm theo quy trình VietGAP gắn với du lịch nông thôn để bảo đảm chất lượng tốt nhất; đóng gói, dán tem nhãn giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, yên tâm sử dụng sản phẩm. Tổ chức quảng bá giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh, như hội nghị, tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại lễ hội, hội chợ… và trên các trang mạng xã hội. 

Mô hình nâng cao giá trị sản xuất cây hồng xiêm để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch ở Lô Giang là một trong những mô hình phát triển kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Hưng nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Đến nay, đã có nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, khảo nghiệm tại các vườn hồng xiêm của Lô Giang. 

Ông Vũ Việt Hùng chia sẻ thêm: HTX đang đề nghị cấp trên tiếp tục cho mở rộng diện tích theo quy hoạch 10ha hồng xiêm ở 2 thôn Hoàng Nông và Phú Nông; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con trồng mới theo quy hoạch ở gần đường giao thông để thuận lợi cho phát triển gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. 


Đoàn khách từ Hà Nội về thăm và chụp ảnh kỷ niệm với vườn hồng xiêm ở Lô Giang. 

Em Nguyễn Lan Hương, lớp 6A, Trường Tiểu học và THCS Lô Giang cho biết: Vừa qua, em và các bạn được cô giáo cho đi trải nghiệm tại một số vườn hồng xiêm của thôn Phú Nông, em rất thích. Em được chủ vườn hướng dẫn cách chiết cành, trồng, chăm sóc hồng xiêm, lựa quả già để hái, đặc biệt là được thưởng thức hồng xiêm chín cây rất ngon. Đây là những kiến thức bổ ích giúp em hoàn thiện bài tập giới thiệu về đặc sản hồng xiêm quê em tới bạn bè. 

Quả hồng xiêm không chỉ là thứ quả cứu đói mà đã trở thành sản phẩm đặc thù địa phương, làm giàu của nhiều hộ trồng hồng ở Lô Giang. Hộ trồng ít thu 30 – 40 triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều thu vài trăm triệu đồng/năm. Các hộ trồng hồng đang tiếp tục gìn giữ và nâng tầm sản phẩm OCOP hồng xiêm, hướng đến trở thành vùng du lịch sinh thái độc đáo của huyện Đông Hưng.


Hồng xiêm Lô Giang được chăm sóc theo tiêu chuẩn OCOP cho quả to, ngon, ngọt. 

Thu Hiền
Báo Thái Bình – baothaibinh.com.vn