Phát triển kinh tế xanh bền vững
Theo bà Lê Hồng Nhung – Giám đốc Công ty Du lịch Tour Song Việt chi biết: Thực tế tại nhiều địa phương trong thời gian qua cho thấy, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội ngày càng rõ rệt. Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn và các miền quê trong cả nước.
Trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại sen Vân Đài
Hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp ở Việt Nam phát triển với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khai thác các giá trị thành quả của ngành nông nghiệp; có thể kể đến các sản phẩm du lịch nông nghiệp điển hình như: Du lịch thăm quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh), ngư dân ở Việt Hải (Hải Phòng); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); hái vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), hái na ở Chi Lăng (Lạng Sơn); du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đàn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa cảnh miền Tây,…
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình cho biết: Thái Bình xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 – 2025 và đến năm 2030 (Đề án). Theo đó, thời gian tới, Thái Bình sẽ tập trung khai thác thế mạnh về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch về nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, là ưu tiên lựa chọn cho du khách trong và ngoài nước; xây dựng và giữ vững thương hiệu nông sản Thái Bình trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua hoạt động du lịch.
Mục tiêu cụ thể
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình: Đề án đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ củng cố và phát triển khoảng 80 – 85 điểm sản xuất nông nghiệp có nét đặc trưng riêng về chất lượng sản phẩm, phương thức canh tác, văn hóa, cảnh quan, môi trường sinh thái để chứng nhận chất lượng, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa phục vụ du lịch; mỗi huyện, thành phố có từ 2 điểm trở lên được chứng nhận là điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn là một xu thế phát triển kinh tế xanh bền vững, vừa phát triển kinh tế, vừa giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, vừa bảo đảm thu nhập tại khu vực nông thôn.
Xây dựng mô hình sản xuất muối Diêm Điền theo phương pháp cổ truyền tạo sản phẩm muối tâm linh, muối chất lượng cao gắn với di tích Phủ Bà Chúa muối tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy để thu hút các hoạt động du lịch.
Sử dụng có hiệu quả giá trị từ gần 5.000 ha rừng ngập mặn và vùng đất ngập nước để bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, sinh kế dưới tán rừng và du lịch; xây dựng ít nhất 03 bến thuyền, 02 chòi canh, 03 km đường tuần tra bảo vệ rừng gắn với du lịch; hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong và gia cầm dưới tán rừng tạo sản phẩm nông sản thân thiện với môi trường.
Khai thác tối ưu lợi thế vùng cửa biển và hạ lưu các dòng sông, hệ thống bãi nổi, bãi bồi ven sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà lý để phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch mang đặc trưng riêng của Đồng bằng Bắc Bộ với tín ngưỡng thờ Mẫu và Tứ phủ.
Thành lập từ 3 – 5 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với hoạt động du lịch; vận động, hỗ trợ 15 – 20 hợp tác xã nông nghiệp đăng ký thêm khâu dịch vụ nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch; thu hút được 15 – 20 doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; khuyến khích được khoảng 100 hộ nông dân tích tụ ruộng đất quy mô lớn tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch.
Phấn đấu 50% điểm nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch ứng dụng kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Vận động người dân trong tỉnh và con em quê hương lập nghiệp ở địa phương khác mỗi người trồng mới từ 10-20 cây xanh góp phần tạo hình ảnh tỉnh Thái Bình đồng thời quay về du lịch tại tỉnh kết hợp với mua sắm nông sản.
Phát triển cây trồng vật nuôi có lợi thế, mang đặc trưng vùng miền tạo dấu ấn riêng biệt của tỉnh Thái Bình, đồng thời xây dựng các Trung tâm giới thiệu nông sản và tiếp đón du khách.
Phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tạo sản phẩm phục vụ du lịch theo đường sông Trà Lý, theo tuyến đường bộ từ Đền thờ Bác Hồ đến chiếng chèo làng Khuốc, di tích lịch sử Đền Trần (Hưng Hà)…
Lợi ích đa chiều từ du lịch nông nghiệp
Cùng với đó, sẽ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp cao, nông nghiệp sinh thái, gắn với thăm quan làng nghề, du lịch tâm linh, rừng ngập mặn theo tuyến đường bộ từ Đền thờ Bác Hồ đến rừng ngập mặn Thái Thụy, Tiền Hải và Khu du lịch sinh thái cồn Đen.
Theo bà Lê Hồng Nhung – Giám đốc Công ty Du lịch Tour Song Việt : Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đặc trưng của mỗi địa phương, vùng, miền, làm cơ sở để thu hút du khách đến trải nghiệm, tiêu thụ.
Theo đó, mỗi địa phương khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phải chú trọng đến việc rà soát, phát huy lợi thế về sản xuất để phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, góp phần tạo ra các giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch. Xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp hạng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, các địa phương phải tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với việc xây dựng thương hiệu đặc trưng. Chú trọng khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn, đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá cho du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại.
Minh Châu
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn