Vài năm trở lại đây, Tây Ninh được biết đến như một hiện tượng du lịch của cả nước. Để nâng tầm du lịch tỉnh nhà, tư duy và cách thức làm du lịch của ngành quản lý cũng ngày một đổi mới. Sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo tỉnh; sự chung tay, góp sức và hưởng ứng mạnh mẽ của người dân Tây Ninh đã mang đến những chuyển biến hiệu quả.
Biểu diễn nghệ thuật trên đỉnh núi Bà Đen
Định vị sản phẩm
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tây Ninh hiện có 96 di tích (trong đó, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia, 68 di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh); 8 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Tây Ninh còn nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, các nghề truyền thống như: mây tre đan, chằm nón lá, đúc gang, làm nhang…
Đến nay, Tây Ninh có hơn 90 sản phẩm được công nhận OCOP. Đối với những cơ sở có sản phẩm được công nhận OCOP, địa phương sẽ hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua những tour lữ hành, bên cạnh việc quảng bá trên các trang mạng xã hội, báo, đài… để đông đảo du khách biết đến. Sản phẩm nhờ đó cũng được tiêu thụ nhiều hơn, đóng góp cho sự phát triển du lịch.
Theo bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở VHTTDL, nhằm giữ chân và tăng tính trải nghiệm cho du khách khi đến với Tây Ninh, Sở đã xây dựng kế hoạch về quảng bá sản phẩm du lịch địa phương; xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch ngoài Khu du lịch núi Bà nhằm liên kết các sản phẩm, điểm du lịch lại với nhau.
Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp xây dựng các chương trình kết nối du lịch đưa du khách trong khu vực Đông Nam bộ đến Tây Ninh; đồng thời, quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh qua việc tham gia các lễ hội, hội chợ du lịch ngoài tỉnh.
“Tây Ninh đã định vị được những sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch văn hoá – lễ hội, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử. Trọng điểm đầu tư, phát triển du lịch của tỉnh chính là Khu di tích lịch sử, văn hoá – danh thắng và du lịch núi Bà Đen. Qua đó, tập trung phát triển địa điểm này thành khu du lịch với nhiều sản phẩm đặc sắc.
Song song đó, phát triển và kết nối đồng bộ với những điểm: Toà thánh Cao Đài Tây Ninh và Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam để trở thành điểm đến mang đậm nét đặc trưng văn hoá, lịch sử riêng có của tỉnh Tây Ninh.
Đối với những di sản văn hoá phi vật thể, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản này, như: quảng bá các nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, nghề làm muối ớt, nghệ thuật chế biến món ăn chay, múa trống Chhay-dăm, lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, lễ vía Bà Linh Sơn thánh mẫu núi Bà Đen thông qua các lễ hội, hội chợ xúc tiến du lịch… và đang dần trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo khách tham quan”- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Trần Thị Huy Hoàng cho biết.
Du khách tham gia tour du lịch xanh tìm hiểu và trải nghiệm vườn trái cây
Sản phẩm ấn tượng
Chị Nguyễn Thị Như Huỳnh (thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, qua truyền thông, chị biết về khung cảnh tươi đẹp trên đỉnh núi Bà nên cùng gia đình lên kế hoạch đi một chuyến. Sau chuyến tham quan, gia đình chị rất hài lòng với cảnh quan nơi đây và có kỷ niệm đẹp về chuyến du lịch.
Đến Tây Ninh, ngoài tham quan núi Bà, chị cũng muốn được thưởng thức đặc sản. Trên đường đi, gia đình chị đã có dịp thưởng thức qua bánh canh Trảng Bàng. Chị Huỳnh còn biết một số đặc sản của Tây Ninh là bánh tráng và muối tôm, mãng cầu: “Mình muốn thử hết các món đặc sản Tây Ninh, nhưng do không có nhiều thời gian nên chỉ mới mua những món quen thuộc và tiện đường như trên. Hy vọng những lần sau đến Tây Ninh, mình sẽ được tìm hiểu và mua thêm nhiều món đặc sản khác”.
Còn theo chị Lê Thị Nga, khách du lịch đến từ tỉnh Đăk Nông, nhắc đến đặc sản Tây Ninh, chị nghĩ ngay đến các loại bánh tráng: bánh tráng bơ, bánh tráng phơi sương, bánh tráng muối ớt và muối tôm, muối ớt thông qua bạn bè là người Tây Ninh và các kênh thông tin.
Vừa qua, chị và đồng nghiệp có dịp đến Tây Ninh thăm “vùng đất thánh”, ngắm cảnh núi Bà Đen. Chị chia sẻ: “Kiến trúc các công trình nơi đây rất độc đáo, trải dài từ chân lên đỉnh núi, tạo cảnh quan nguy nga, lộng lẫy và hoành tráng. Tôi rất thích khi được đến đây, người dân Tây Ninh hiền hoà. Tôi không bị tình trạng chặt chém”. Đến Tây Ninh du lịch, chị và các thành viên đoàn cũng không quên mua ít đặc sản như bánh tráng, muối về làm quà cho người thân.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, hiện nay, du khách đến Tây Ninh thường chọn mua các sản phẩm đặc trưng quen thuộc của địa phương như mãng cầu Bà Đen, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, các loại muối. Nhiều năm nay, các sản phẩm này càng được quảng bá rộng rãi nhờ nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, nghề làm muối ớt được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương Tây Ninh còn có nhiều loại: dưa lưới, sầu riêng, bưởi da xanh, cam, quýt, ổi ruột đỏ, chuối sứ Bà Đen, chuối già Nam Mỹ, mít; các loại thức uống từ trái cây, mật ong; các món ăn chay, bò tơ Tây Ninh, cá lăng lòng hồ… Thời gian gần đây, du lịch Tây Ninh còn tạo sự hấp dẫn cho du khách qua các điểm tham quan tại doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đặc sản của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Tăng cường quảng bá
Theo bà Trần Thị Huy Hoàng, các sản phẩm du lịch đang dần được hình thành nên cần sự quảng bá rộng rãi đến người dân và khách du lịch. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc sản, nét văn hoá, ẩm thực đặc trưng của Tây Ninh tại các sự kiện thương mại, du lịch, lễ hội trong và ngoài nước nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch của tỉnh. Du khách có thể tìm hiểu thông qua các sự kiện hoặc trực tiếp tham quan cơ sở sản xuất. Sở sẽ tiếp tục kết nối, giới thiệu đến các công ty lữ hành ngoài tỉnh để xây dựng chương trình tour, tuyến tham quan Tây Ninh.
Tây Ninh đang xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của tỉnh với mục tiêu chuẩn hoá hình ảnh nhận diện thương hiệu, hệ thống nhận diện chung của tỉnh và các ngành. Khi bộ nhận diện được ứng dụng vào các sản phẩm quà biếu, quà lưu niệm sẽ giúp du khách dễ ghi nhớ, tạo sự khác biệt và duy nhất của tỉnh Tây Ninh so với các địa phương khác.
Theo bà Hoàng, hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 – 2025. Sở VHTTDL sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT để thực hiện.
Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn bằng cách xây dựng các khu, điểm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương để kết nối hệ thống du lịch chung của tỉnh, tạo ra sự phong phú về sản phẩm du lịch. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch”.
Công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn sẽ được đẩy mạnh tại các sự kiện ẩm thực, hội chợ du lịch, lễ hội văn hoá tại các tỉnh, thành phố khắp cả nước. Sở VHTTDL đang tập trung đầu tư phát triển ứng dụng du lịch thông minh giúp du khách dễ dàng tìm kiếm và trải nghiệm những địa điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở VHTTDL, để phát triển hơn nữa các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, cần có sự vào cuộc, chung tay của nhiều sở, ngành chức năng và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trong thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp hình thành, khai thác, phát huy lợi thế các sản phẩm du lịch đặc trưng của Tây Ninh nhằm thu hút du khách, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Ngọc Diêu – Vi Xuân
Báo Tây Ninh – baotayninh.vn