Tam Kỳ sẽ xây dựng bãi Sậy sông Đầm thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: N.P
Kế hoạch với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn Tam Kỳ gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Qua đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của thành phố đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp – nông thôn trong hoạt động du lịch.
Tam Kỳ phấn đấu đến năm 2025, xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh; xây dựng quy hoạch tuyến du lịch đường sông (sông Trường Giang, sông Tam Kỳ, sông Bàn Thạch, sông Đầm) kết nối với các sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố.
Cạnh đó, xây dựng thí điểm mô hình về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, bền vững; đồng thời xây dựng mô hình chuỗi liên kết du lịch nông thôn, du lịch nhà vườn có sự tham gia của các chủ thể nông dân – hợp tác xã – hộ kinh doanh – doanh nghiệp tại Làng du lịch cộng đồng Cà Ban (xã Tam Ngọc).
Xây dựng địa đạo Kỳ Anh – bãi Sậy sông Đầm thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho cộng đồng người dân. Hoàn thiện nhà trưng bày và trình diễn sản phẩm nghề truyền thống chiếu cói Thạch Tân (xã Tam Thăng).
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu phát huy giá trị truyền thống, bước đầu khai thác, phát triển loại hình du lịch tìm hiểu lịch sử (địa đạo Ngọc Mỹ, khu lăng mộ các sĩ phu yêu nước) gắn với sản phẩm làng nghề hến Tân Phú ở xã Tam Phú.
Duy trì và tổ chức mới các hoạt động thể thao gắn với du lịch như giải Marathon Tam Kỳ Discovery, giải Marathon biển Tam Kỳ, giải chạy khám phá địa đạo Kỳ Anh – bãi Sậy sông Đầm… và các hoạt động thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế.
Để thực hiện, sẽ có ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch (tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch nông thôn ở 4 xã Tam Ngọc, Tam Thanh, Tam Thăng và Tam Phú)…
Tổng kinh phí thực hiện hơn 40 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 640 triệu đồng, ngân sách thành phố hơn 38,3 tỷ đồng, còn lại nguồn xã hội hóa.
Nam Phương
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn