Hòa cùng dòng chảy du lịch đang trở thành xu hướng và hấp dẫn ngày càng đông du khách, mỏ “vàng xanh” từ DLNT ở Bạc Liêu cũng đang được khai thác tích cực.
Du khách hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức đặc sản tại điểm du lịch sinh thái Nông trại Tôm Khỏe (huyện Hòa Bình). Ảnh: H.T
Khai thác mỏ “vàng xanh”
Có môi trường sinh thái bao la với những vạt rừng, bờ biển, với đồng lúa, ruộng muối; gìn giữ và phát huy giá trị nhiều mô hình nghề truyền thống trải khắp các huyện, thị; Bạc Liêu lại còn có những người nông dân không an phận ở chuyện canh tác đồng đất ông cha để lại, mà biết chịu khó tư duy làm du lịch từ mảnh rừng, vuông tôm, thửa rau, vườn cây ăn trái của mình… Tất cả hội tụ thành những mỏ “vàng xanh” cho DLNT Bạc Liêu dần cất cánh!
Khác với những mô hình du lịch thu hút du khách bởi danh lam thắng cảnh trời ban (người ta đến thường để ngắm nhìn, thưởng ngoạn), đến với DLNT, điều thú vị là du khách không ngoài cuộc ngắm nhìn thôi mà còn được hòa mình vào không gian đó để trải nghiệm.
Chẳng hạn như trải nghiệm nghề làm muối ở Bạc Liêu, tại sao không? Những bức ảnh “hoa muối” đăng trên mạng xã hội, hay triển lãm trong những lễ hội Văn hóa – du lịch ở Bạc Liêu (là những ruộng muối vào mùa thu hoạch được diêm dân cào và “vẽ” sản phẩm của mình như hình cánh hoa) luôn thu hút sự tò mò của nhiều người! Hạt muối là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn, thế nhưng làm thế nào để có được những hạt muối ấy, chưa chắc ai cũng biết. Khi người ta càng tò mò thì việc bày mô hình cho du khách làm diêm dân trên cánh đồng muối càng khả thi. Nhất là khi Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã trở thành di sản (được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia cuối năm 2020).
Những làng nghề truyền thống ở Hồng Dân, Phước Long, khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu cùng nhiều vườn chim tư nhân, vườn nhãn cổ; cụ thể hơn là những khu vườn sinh thái tư nhân đang đón chân du khách như khu sinh thái Cánh đồng Cậu Ba (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi), vườn sinh thái Cánh đồng quê (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi)… chính là những mỏ “vàng xanh” đang được khai thác cật lực để DLNT nối dài cánh tay đắc lực phát triển du lịch Bạc Liêu.
Điểm du lịch sinh thái Cánh đồng Cậu Ba (huyện Vĩnh Lợi) thu hút du khách đến check-in, nghỉ dưỡng
Tiềm lực mới cho trụ cột du lịch
Nông thôn – nơi của những không gian tưởng chừng đã xưa cũ ấy, trước khi “làm” du lịch đã được khoác chiếc áo mới, đó là những làng quê nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhìn đúng bản chất, tiềm năng, giá trị tài nguyên du lịch từ những đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn – mỏ vàng này đang được kỳ vọng làm nên chuyện cho một trong các trụ cột phát triển kinh tế – xã hội Bạc Liêu. Khi khai thác đúng hướng, đúng cách, hiệu quả, DLNT còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống.
Ý nghĩa đặc biệt này cũng chính là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong hàng loạt hoạt động của Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn diễn ra từ ngày 22 – 24/12/2023. Trong đó, đặc biệt là không gian trình diễn các làng nghề truyền thống kết hợp giao lưu trình diễn nghệ thuật truyền thống, trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu (tại khuôn viên Nhà hát Cao Văn Lầu). 9 không gian trình diễn các làng nghề truyền thống đặc trưng của từng địa phương (7 huyện, thị xã, thành phố; không gian của Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bạc Liêu và không gian của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu) giúp du khách tìm đến những giá trị văn hóa bản địa đặc trưng từ nghề truyền thống, từ những tiết mục nghệ thuật truyền thống và những sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng đã được công nhận là sản phẩm OCOP Bạc Liêu…
Chủ trương về phát triển DLNT đã được bật đèn xanh. Đó là Kế hoạch 97 do UBND tỉnh ban hành ngày 17/5/2023 tập trung phát triển du lịch Bạc Liêu thông qua chương trình phát triển DLNT trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025. Vấn đề còn lại là muốn khai thác mỏ vàng đầy tiềm năng này, nhất định phải có sự cộng lực của 2 ngành chủ chốt: Văn hóa và Nông nghiệp. Và dĩ nhiên không thể thiếu sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp du lịch. Hàng loạt phần việc phải được thực thi đồng bộ như: tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là khu vực tư nhân; sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương cho đầu tư phát triển DLNT để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực DLNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động; phát huy các lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề và môi trường sinh thái trên địa bàn… Khi được vun phân bón rễ như thế, những không gian miệt vườn sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ đầy tiềm lực kiến tạo diện mạo mới cho du lịch Bạc Liêu.
Cẩm Thúy
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn