Quỳnh Nhai hiện có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh còn hiệu lực là: Chả cá Sông Đà, trà cỏ ngọt, mật ong Chiềng Khay và 1 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu là cá tép dầu Sông Đà. Để được công nhận là sản phẩm OCOP, các sản phẩm này phải đạt được các tiêu chí trong Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Mỗi sản phẩm đều mang theo một câu chuyện về quá trình sản xuất, tận dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương, quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo các tiêu chí về dinh dưỡng, tính dược, có khả năng phát triển và được người dùng đón nhận, là sản phẩm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Sản phẩm chả cá Sông Đà của Cơ sở sản xuất kinh doanh Đào Thị Hiếu, xã Mường Giàng là một trong những sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu là cá nuôi trên lòng hồ Quỳnh Nhai, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao tháng 12/2022. Sau nhiều thời gian nghiên cứu và đầu tư thiết bị hiện đại, sản phẩm hiện đã được sản xuất với sản lượng gần 1tấn/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương. Chị Hiếu chia sẻ: Rất nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm chả cá Sông Đà đều có phản hồi tích cực, khen ngon, dễ ăn, phù hợp với khẩu vị của đa dạng lứa tuổi. Hiện tại, sản phẩm đã được bán ở thị trường trong và ngoài tỉnh với giá 150.000 đồng/kg. Chỉ tính trong 3 ngày tham gia gian hàng tại Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 tại Thành phố, sản phẩm chả cá Sông Đà đã bán được 560kg.
Với lợi thế mặt nước lòng hồ rộng lớn, nông dân Quỳnh Nhai đang tận dụng hơn 250ha diện tích mặt nước để nuôi thủy sản với hơn 4.000 lồng cá, sản lượng trên 1.800 tấn/năm. Các các HTX, hộ nuôi thủy sản trên lòng hồ cũng tích cực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cá, đa dạng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập từ nuôi thủy sản. Trong đó, có sản phẩm cá Sông Đà cấp đông của HTX thủy sản An Bình, cá ngão rút xương Sông Đà sấy khô của HTX Thảo Mộc và xúc xích cá của Cơ sở sản xuất kinh doanh Đào Thị Hiếu đang được huyện định hướng, xây dựng thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Cùng với đó, phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng lòng hồ, Quỳnh Nhai cũng đang khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch sinh lòng vùng lòng hồ Sơn La của Công ty cổ phần Du lịch Quỳnh Nhai Travel thành sản phẩm OCOP. Đây sẽ là sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng sông nước Quỳnh Nhai, tạo lợi ích kép trong việc khai thác du lịch biển hồ gắn với quảng bá và kích thích tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương.
Không chỉ có các sản phẩm gắn với thế mạnh vùng lòng hồ, Quỳnh Nhai đang triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP từ nông sản như: Gạo nếp tan Chiềng Khoang và tinh dầu xả Java của HTX Tú Châu… Anh Lò Văn Học, Giám đốc HTX Tú Châu, thông tin: HTX hiện có 7 thành viên và liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã duy trì hơn 40 ha lúa nếp tan, hơn 10 ha sả và 30 ha dược liệu dưới tán rừng. HTX đang có hơn 10 sản phẩm, chủ yếu là các loại tinh dầu (chiết xuất từ xả, hương nhu, hoa ngũ sắc, màng tang, long não) với sản lượng trên 1.000 lít/năm cùng sản phẩm lá khôi nhung, củ thiên niên kiện và và gạo nếp tan Chiềng Khoang. Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực đưa sản phẩm của HTX tham gia quảng bá, giới thiệu và bán tại các hội chợ thương mại trên toàn quốc, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng và tăng doanh thu bán hàng. Đồng thời, vận động thành viên tích cực sản xuất theo đúng quy trình, nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có. Hiện nay, một số sản phẩm được huyện hướng dẫn để được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Chia sẻ về định hướng phát triển các sản phẩm OCOP của Quỳnh Nhai trong thời gian tới, bà Điêu Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Theo kế hoạch, huyện Quỳnh Nhai sẽ triển khai xây dựng 3 sản phẩm OCOP trong năm 2023 là cá Sông Đà cấp đông, gạo nếp tan Chiềng Khoang và tinh dầu xả Java. Đồng thời định hướng phát triển một số sản phẩm khác trong năm tiếp theo. Đơn vị luôn tích cực trong tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh duy trì tốt các mô hình, sản phẩm đang có triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.
Với định hướng đúng đắn, việc đánh giá để công nhận sản phẩm OCOP sẽ tạo động lực để phát triển hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện, tăng doanh thu bán hàng, xây dựng sản phẩm đặc sản của địa phương. Đây cũng là nhiệm vụ, mục tiêu cần thiết để Quỳnh Nhai nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.
Thanh Đào
Báo Sơn La – baosonla.org.vn