Sơn La: Mường La xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch

Khai thác thế mạnh của địa phương gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay, huyện Mường La (Sơn La) đã xây dựng được 6 sản phẩm OCOP, gồm: Tinh dầu sả java, thịt bò hun khói, gạo nếp tan xã Ngọc Chiến, gạo tẻ nương xã Chiềng Ân, cá sấy sông Đà xã Chiềng Hoa, táo đại và xoài xã Mường Bú. Các sản phẩm có chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.


Sản phẩm mật ong đá của HTX nông nghiệp Chiềng Lao đạt OCOP 4 sao

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Mường La đã đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, lợi ích khi tham gia chương trình OCOP. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Huyện đã hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng giúp các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX có thêm điều kiện hoàn thiện, chuẩn hóa 6 sản phẩm về thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác, quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế website… Phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn ghi nhãn mác hàng hóa, mã số, mã vạch; đăng ký tham gia chương trình. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Khi tham gia chương trình OCOP, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp còn được huyện, tỉnh hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với sơ chế, chế biến và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Với sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chuyên môn và địa phương, các hộ dân, HTX, doanh nghiệp đã tập trung mở rộng diện tích những loại cây trồng theo hướng hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú có 16 ha trồng táo được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất bình quân đạt 18-22 tấn/ha, với giá bán 50 nghìn đồng/kg. Đây là sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện được nhiều người biết đến. Ông Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX, cho biết: Sản phẩm táo đại của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP sản phẩm 3 sao và được cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch trong và ngoài tỉnh. HTX đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Gạo nếp tan Ngọc Chiến được đồng bào dân tộc Thái tại xã Ngọc Chiến gieo cấy từ nhiều đời nay, với chất lượng gạo thơm, ngon, đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ông Lò Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, cho biết: Xã đã quy hoạch vùng trồng và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân theo hướng sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị, tạo sản phẩm đặc trưng, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Xây dựng các sản phẩm OCOP đã mở ra cơ hội để các HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mường La đang chỉ đạo hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới; đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị, xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: Lam Giang

Báo Sơn La điện tử – baosonla.org.vn