Toàn tỉnh Sơn La hiện có 151 sản phẩm OCOP.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo quyết liệt chỉ đạo, triển khai Chương trình, như: Thành lập bộ máy quản lý, bổ sung nhiệm vụ triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) vào Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, chỉ đạo xây dựng Đề án, tổ chức cho các cơ sở sản xuất đăng ký dự thi sản phẩm và đánh giá sản phẩm OCOP thường niên. Hiện toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của Sơn La khá phong phú về chủng loại bao gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Khai thác lợi thế này, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, qua đó đã hình thành nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao, được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận, đồng thời góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Sau 4 năm thực hiện, đến nay tỉnh Sơn La có 151 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao. Dự kiến trong năm 2024 toàn tỉnh sẽ đánh giá, phân hạng trên 60 sản phẩm OCOP.
Về quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, tuần hàng trong và ngoài tỉnh, tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, toàn tỉnh xây dựng 11 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Thành phố, Mai Sơn và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử… Qua kết nối tiêu thụ, tạo điều kiện cho nhiều đơn vị sản xuất trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống các cửa hàng phân phối hiện đại, như: Trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, hệ thống trung tâm và điểm bán hàng OCOP.
Đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến đối với sản phẩm OCOP, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, như: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), tiêu chuẩn quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh (SSOP), tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP), quy trình quản lý chất lượng (ISO); phát triển và chuẩn hóa vùng nguyên liệu đầu vào (giám sát, kiểm soát chất lượng) sản phẩm OCOP. Quan tâm phát triển các sản phẩm dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp và nông sản công nghệ cao, hữu cơ để tạo nên sự đột phá về sản phẩm OCOP của tỉnh; thúc đẩy các giải pháp về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận), khai thác hiệu quả các giá trị tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm cấp OCOP quốc gia (Sản phẩm đạt 5 sao).
Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông đa phương tiện, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP…, hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về chương trình OCOP của toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng từ tỉnh đến cấp xã, thôn, bản; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Hoàn thiện Bộ máy vận hành OCOP ở các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, tổ chức đoàn công tác đi học tập trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị tiêu biểu trong công tác triển khai chương trình OCOP cho các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh.
Lê Hồng
Cổng TTĐT tỉnh Sơn La – sonla.gov.vn