Sổ tay hướng dẫn phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam

(TITC) - Trong bối cảnh du lịch sinh thái đang ngày càng phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm, cuốn “Sổ tay hướng dẫn phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam” ra đời sẽ giúp các nhà quản lý và điều hành du lịch sinh thái trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; giúp các đơn vị quản lý điểm du lịch hiểu biết đầy đủ hơn về các tiêu chí, qui trình và thủ tục hành chính để công nhận danh hiệu điểm du lịch sinh thái. Đây còn ...

Tài liệu này được hoàn thành với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan hợp tác phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) và chỉ đạo về chuyên môn của Tổng cục Du lịch (VNAT), Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam (ITDR) và Công ty Cổ phần Viện du lịch bền vững Việt Nam (ART VIET NAM). Nội dung cơ bản (tóm tắt) được đề cấp trong cuốn Sổ tay này:

Tổng quan về du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái (DLST) là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững (Theo Điều 4, Chương I của Luật Du lịch).

Du lịch sinh thái cần đáp ứng ít nhất 2 trong 4 nguyên tắc sau:

1. Diễn ra trong các khu vực thiên nhiên được bảo vệ hay ít bị tác động, với những hệ sinh thái đặc sắc, tính đa dạng sinh học cao và tồn tại ít nhất một loài sinh vật quý hiếm, nguy cấp, có trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam hoặc thế giới.

2. Gắn với mục đích bảo tồn, vì vậy thường được tổ chức cho các nhóm nhỏ; sử dụng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, phương tiện, tiện nghi quy mô nhỏ và thân thiện với môi trường; không làm thay đổi tính toàn vẹn và quá trình diễn tiến tự nhiên của hệ sinh thái hay không làm suy giảm đa dạng sinh học; khuyến khích các cơ chế tạo nguồn thu từ DLST và sử dụng chúng để đầu tư cho công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

3. Có tính giáo dục cao, không chỉ đối với du khách mà cả với ngành du lịch và cộng đồng địa phương.

4. Góp phần phát triển kinh tế địa phương, thu hút sự tham gia tích cực và đem lại lợi ích tối đa cho cộng đồng dân cư bản địa nơi diễn ra các hoạt động DLST.

 

Đa dạng sinh học là sự khác nhau giữa các sinh vật sống ở tất cả mọi nơi, bao gồm: các hệ sinh thái trên cạn, sinh thái đại dương và các hệ sinh thái thủy vực khác cũng như các phức hệ sinh thái mà các sinh vật là một thành phần trong đó. Như vậy, đa dạng sinh học được xem xét theo 3 mức độ:

1. Đa dạng sinh học ở cấp loài bao gồm toàn bộ các sinh vật sống trên trái đất, từ vi khuẩn đến các loài động, thực vật và các loài nấm.

2. Ở cấp quần thể đa dạng sinh học bao gồm sự khác biệt về gen giữa các loài, các quần thể sống cách ly nhau về địa lý và các cá thể cùng chung sống trong một quần thể.

3. Đa dạng sinh học còn bao gồm cả sự khác biệt giữa các quần xã, nơi các loài sinh sống và các hệ sinh thái nơi các loài cũng như các quần xã sinh vật tồn tại, và sự khác biệt của các mối tương tác giữa chúng với nhau.

 

Khu bảo tồn thiên nhiên là một vùng đất hay vùng biển chỉ dành cho mục đích bảo vệ và duy trì sự đa dạng sinh học, các tài nguyên tự nhiên và văn hóa kèm theo, và được quản lý bởi các công cụ pháp lý hay tương đương khác. Có 6 nhóm khu bảo tồn thiên nhiên gồm:

1. Khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu dự trữ nghiêm ngặt và khu thiên nhiên hoang dã

2. Khu bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái

3. Khu bảo tồn các đặc điểm thiên nhiên

4. Khu bảo tồn bằng biện pháp quản lý tích cực

5. Khu bảo tồn cảnh quan và giải trí

6. Khu sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên

 

Khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội và môi trường.

 

Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch.

Khu du lịch sinh thái là một đơn vị lãnh thổ có quy mô nhất định, có hoặc tổ chức khai thác tài nguyên du lịch sinh thái, có định hướng, quy hoạch phát triển, có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, thỏa mãn được nhu cầu chuyên biệt của khách du lịch sinh thái.

 

Điểm du lịch sinh thái  là nơi có tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc, có tính đa dạng sinh học cao, thường nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên, có khả năng khai thác phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu học tập và nâng cao nhận thức về môi trường thiên nhiên của khách du lịch.

 

Sức chứa = Diện tích khu vực/Tiêu chuẩn trung bình cho mỗi cá nhân. Sức chứa sẽ khác nhau tùy theo mối quan hệ của nó với du lịch, bao gồm:

– Sức chứa tâm lý: là mức độ hài lòng của du khách với những trải nghiệm của mình và tạo ý muốn quay lại.

– Sức chứa sinh học: là khả năng không ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đến sự tồn tại và phát triển bình thường, bền vững của các loài động, thực vật và con người tại điểm du lịch sinh thái.

– Sức chứa xã hội: là mức độ đồng ý của cộng đồng với hoạt động du lịch và chấp nhận du khách.

– Sức chứa hạ tầng: là điều kiện của cơ sở hạ tầng nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch sinh thái.

 

Tác động của du lịch sinh thái

– Đối với kinh tế: thị trường không ngừng được mở rộng, doanh thu tăng; chất lượng thị trường cao; tăng trưởng ổn định, bền vững; tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cộng đồng; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, qua đó giảm thiểu những thiệt hại về tài nguyên môi trường, giảm gánh nặng khắc phục hậu quả cho xã hội; góp phần phát triển các ngành nghề khác.

– Đối với văn hóa: bảo tồn sự nguyên vẹn các giá trị văn hóa, góp phần gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của điểm đến.

– Đối với môi trường: bảo vệ, giữ gìn sự trong sạch của môi trường tại các điểm du lịch; nâng cao nhận thức của các thành phần xã hội trong việc bảo vệ môi trường chung.

 

Vai trò của các bên liên quan trong hoạt động du lịch sinh thái

– Đối với cơ quan quản lý:

+ Chính phủ: điều phối chung; ban hành các chính sách ở tầm vĩ mô; xây dựng chiến lược, quy hoạch; hỗ trợ địa phương, cộng đồng; hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng quỹ quốc gia về du lịch sinh thái.

+ Chính quyền địa phương: có chính sách và định hướng phát triển rõ ràng; lập và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển; có cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên địa bàn; cam kết và xác lập cơ chế rõ ràng đối với việc tham gia của cộng đồng, hỗ trợ phát triển cộng đồng; kiểm tra, giám sát sự phát triển.

+ Các ban quản lý khu du lịch: quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường điểm du lịch; lập quy hoạch phát triển điểm/khu du lịch trên nguyên tắc công khai, minh bạch và có sự tham gia của cộng đồng; quản lý thực hiện nghiêm túc quy hoạch; xây dựng quy chế, quy định rõ ràng về trách nhiệm của các đối tượng tham gia hoạt động du lịch sinh thái.

– Đối với doanh nghiệp: có phương án kinh doanh phù hợp; có năng lực thật sự về vốn và nguồn nhân lực; có cam kết trách nhiệm rõ ràng về đóng góp bảo tồn và hỗ trợ phát triển cộng đồng.

– Đối với cộng đồng địa phương: cam kết tuân thủ pháp luật, các chủ trương của chính quyền trung ương và địa phương; chủ động tham gia vào quá trình phát triển du lịch sinh thái từ khâu quy hoạch cho đến khâu quản lý vận hành khu du lịch; có trách nhiệm trong việc bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống địa phương; có thái độ thân thiện, giúp đỡ khách du lịch.

– Đối với du khách: tôn trọng tập quán truyền thống văn hóa địa phương; có ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường của điểm đến; tham gia các hoạt động hỗ trợ đóng góp cho bảo tồn và phát triển cộng đồng tại điểm/khu du lịch.

 

Hệ thống tiêu chí thẩm định, công nhận điểm du lịch sinh thái tại Việt Nam

Nhóm tiêu chí tài nguyên

– Có đa dạng sinh học cao

– Cảnh quan môi trường hấp dẫn

– Các điều kiện khí hậu thích hợp

– Các di tích có giá trị đặc sắc

– Văn hóa bản địa đặc sắc

– Vị trí thuận lợi, tiếp cận thuận tiện.

 

Nhóm tiêu chí cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật

– Giao thông thuận tiện

– Hệ thống cấp điện, nước bền vững, an toàn

– Hệ thống thu gom, xử lý rác, nước thải phù hợp với quy mô điểm du lịch.

– Các công trình dịch vụ du lịch thân thiện, hài hòa

 

Nhóm tiêu chí về môi trường

– Giáo dục môi trường

– Bảo vệ môi trường

 

Nhóm tiêu chí tổ chức quản lý bền vững

– Có chính sách hỗ trợ phát triển, bảo tồn du lịch sinh thái

– Có quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch

– Có bộ máy quản lý năng lực theo đúng chuyên môn

– Nguồn vốn phát triển công khai, minh bạch, đúng mục đích

 

Nhóm tiêu chí sản phẩm dịch vụ

– Dịch vụ tham quan

– Dịch vụ cắm trại

– Dịch vụ nghỉ dưỡng

– Dịch vụ hội nghị, hội thảo

– Phục vụ khách tìm hiểu, nghiên cứu

 

Quy trình thẩm định công nhận điểm du lịch sinh thái

– Bước 1: xây dựng hồ sơ, đề án đề nghị công nhận điểm du lịch sinh thái

– Bước 2: cấp quản lý có thẩm quyền tổ chức thẩm định công nhận điểm du lịch sinh thái

– Bước 3: cấp quản lý có thẩm quyền tiến hành thẩm định đánh giá hồ sơ, đề án công nhận điểm du lịch sinh thái

– Bước 4: cấp quản lý có thẩm quyền quyết định điểm du lịch sinh thái

– Bước 5: cấp quản lý có thẩm quyền quyết định công nhận Ban quản lý điểm du lịch sinh thái.

 

Hướng dẫn xây dựng đề án công nhận điểm du lịch sinh thái

– Phần 1: giới thiệu (bao gồm: đặt vấn đề, căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học)

– Phần 2: mục tiêu, phạm vi phân vùng chức năng điểm du lịch sinh thái

– Phần 3: cơ cấu tổ chức điểm du lịch sinh thái

– Phần 4: đánh giá hiện trạng hoạt động du lịch tại điểm du lịch

– Phần 5: đánh giá mức độ đạt được theo các nhóm tiêu chí của điểm du lịch sinh thái

– Phần 6: đánh giá hiệu quả của điểm du lịch sinh thái

– Phần 7: kết luận và kiến nghị

– Phần 8: phụ lục (các phụ lục kỹ thuật có liên quan)

 

Phạm Phương (TITC) sưu tầm