Hiện tổng diện tích cây ăn quả ôn đới trên địa bàn huyện Si Ma Cai là hơn 1.300 ha, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Quan Hồ Thẩn và Lùng Thẩn (chiếm gần 70% diện tích toàn huyện). Thời gian qua, huyện Si Ma Cai đã ưu tiên bố trí nguồn vốn từ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại 2 xã này. Giai đoạn 2021 – 2022, huyện đã giải ngân hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc, cải tạo diện tích cây ăn quả ôn đới trên địa bàn 2 xã gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Anh Tráng Seo Mua (dân tộc Mông, ở thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn) trồng lê VH6 từ năm 2017 với 2 ha. Sau 5 năm, vườn cây lê của gia đình anh sinh trưởng tốt và đã cho thu hoạch quả, giúp gia đình có thu nhập ổn định. Thời gian qua, được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình anh Mua tích cực chăm sóc vườn cây ăn quả và mở một số dịch vụ theo hướng du lịch nông nghiệp. Từ các nguồn lực hỗ trợ, gia đình anh Mua cải tạo không gian, đầu tư làm một số tiểu cảnh, đường vào vườn cây ăn quả và trồng thêm hoa để tạo sức hút đối với du khách.
Đến nay, vườn lê của gia đình anh Mua đã có rất nhiều người biết đến. Không chỉ người dân địa phương mà du khách ngoài tỉnh cũng đến tham quan, trải nghiệm. Từ thu hoạch quả và kết hợp làm du lịch, gia đình anh Mua có nguồn thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Anh Mua chia sẻ: “Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã có thành công. Tôi sẽ tập trung cải tạo vườn cây ăn quả, đầu tư thêm tiểu cảnh, tạo điểm check-in để ngày càng thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm”.
Tổng diện tích cây ăn quả của xã Quan Hồ Thẩn là hơn 390 ha, đây là tiềm năng để khai thác phục vụ phát triển du lịch. Vì vậy, UBND xã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người dân đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với phát triển mạnh mô hình du lịch nông nghiệp. Giai đoạn 2021 – 2022, xã hỗ trợ các hộ trồng mới và cải tạo 20 ha cây ăn quả ôn đới (chủ yếu là lê và mận Tả Van), tập trung tại thôn Lao Chải. Bên cạnh đó, các hộ còn được hỗ trợ 4 tấn phân bón, 20 máy cắt cỏ cầm tay, 27 bộ dụng cụ cắt tỉa cành, tạo tán nhằm nâng cao năng suất và chất lượng các loại cây ăn quả ôn đới.
Ông Giàng A Phừ, Chủ tịch UBND xã Quan Hồ Thẩn cho biết: Trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí rất cao từ phía người dân. Trong 2 năm gần đây, UBND xã đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức Lễ hội hoa lê trắng tại thôn Lao Chải thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Năm 2023, tổng lượng khách du lịch tham gia lễ hội là hơn 3.200 lượt người (tăng 500 lượt so với năm 2022), đặc biệt là lượng du khách ngoài tỉnh đến xã tăng mạnh, với hơn 900 lượt người.
Xã Lùng Thẩn được coi là “thủ phủ” cây ăn quả ôn đới của huyện Si Ma Cai với hơn 500 ha. Trên địa bàn xã đã hình thành mô hình du lịch trải nghiệm tại thôn Seng Sui với diện tích hơn 60 ha. Giai đoạn 2021 – 2022, chính quyền địa phương đã triển khai các chính sách hỗ trợ 30 hộ dân trồng mới 10 ha lê VH6; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho 36 hộ.
Cũng như xã Quan Hồ Thẩn, người dân xã Lùng Thẩn thường xuyên nhận được nguồn lực hỗ trợ sản xuất của Nhà nước thông qua các chương trình MTQG.
Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn chia sẻ: “Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, người dân rất chủ động đầu tư, vay vốn ngân hàng, liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm du lịch. Chúng tôi xác định việc cải tạo các vườn cây ăn quả gắn với phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi mới, tạo đột phá về phát triển kinh tế cho người dân địa phương”.
Việc xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Trung bình 2 năm gần đây lượng khách du lịch đến huyện Si Ma Cai đạt hơn 50.000 lượt và doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Chính vì vậy, thời gian qua UBND huyện Si Ma Cai đã tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chặt chẽ với các xã triển khai giải ngân nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình MTQG để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp.
Ông Trương Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện dù mới hình thành được vài năm gần đây nhưng đã đạt nhiều kết quả đáng mừng, mang lại lợi ích kép, vừa giúp du khách có nhiều trải nghiệm mới lạ vừa tạo việc làm, tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Trương Văn Tiến khẳng định việc giải ngân các nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái sẽ tiếp tục được tập trung triển khai trong thời gian tới, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện Si Ma Cai, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh việc triển khai nguồn vốn hỗ trợ phát triển mô hình trồng cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch, huyện Si Ma Cai cũng tập trung triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, huyện sẽ tiến hành triển khai bảo tồn Lễ hội cúng rừng của người Nùng, hỗ trợ phát triển các đội văn nghệ truyền thống, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống… góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Vũ Thanh Nam – Hữu Huỳnh
Báo Lào Cai – baolaocai.vn