Các vùng đất ở Tây Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình là xứ sở của những sinh hoạt văn hoá cổ truyền gắn với phong tục làm cốm mỗi khi bước vào mùa gặt. Trong tiết trời mùa thu tháng 9, 10 (dương lịch), ở các bản làng, đồng bào các dân tộc ra đồng lựa gặt những bông lúa nếp còn xanh hạt, đượm thơm vị sữa mang về chế biến cốm. Công việc làm cốm chủ yếu dành cho những người phụ nữ khéo tay, thuần thục công thức và dành cả tâm huyết của mình cho những mẻ cốm đầu mùa. Các công đoạn như sấy, rang lúa, giã, sàng sảy được đồng bào vùng cao tiến hành để làm nên những hạt cốm tươi xanh, dẻo thơm.
Khi cốm được chế biến, đồng bào vùng cao Tây Bắc sáng tạo ra những món ăn độc đáo, đậm đà dư vị như xôi cốm, cốm rang, cháo cốm vịt, cốm lam, bánh cốm… Cốm đã trở thành thức quà gói trong lá dong xanh ngắt theo du khách đi đến mọi miền, trở thành món ẩm thực trong những nét sinh hoạt văn hoá, nghi lễ, lễ hội truyền thống tại các bản làng. Dừng chân ở vùng đất Tây Bắc trong mùa thu vàng, du khách sẽ được trải nghiệm phong tục làm cốm, hoà mình vào không khí tấp nập của mùa gặt, của lễ hội cốm và lắng nghe hương cốm nồng nàn khắp không gian. Sản phẩm cốm Tây Bắc góp phần làm nên nét độc đáo và sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng trong những bản làng.
Tin và ảnh: Nguyễn Thế Lượng
Báo điện tử ĐCSVN – dangcongsan.vn