Quảng Ninh: Tiềm năng du lịch ở Đại Dực, Tiên Yên

Là xã miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Tiên Yên (Quảng Ninh), cách trung tâm huyện khoảng 23km, Đại Dực hiện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc Sán Chỉ chiếm tỷ lệ 83,3%. Nơi đây, cảnh quan thiên nhiên cũng rất ưu đãi, với hệ thống ruộng bậc thang, khe suối, thác nước phong phú, đa dạng, là cơ hội để địa phương phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.


Các khe suối ở xã Đại Dực trong vắt, giữ được nét hoang sơ

Dù đã nhiều lần đến Đại Dực, nhưng hôm nay khi quay lại xã, chúng tôi vẫn rất xốn xang trước vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của cảnh quan thiên nhiên nơi này. Do được bao quanh bởi đồi, núi, nên Đại Dực có nhiều khe suối lớn nhỏ bắt nguồn từ trên cao đổ về. Đó là thác Nặm Văm cao hơn 30m, thác Cô Bảy cao trên 40m, thác Khe Lục Mỷ cao hơn 50m, hay thác Á Chu Lan cao tới hơn 60m. Đây là những địa điểm tuyệt vời để du khách tắm mát, chụp ảnh kỷ niệm.

Cùng với hệ thống khe suối, xã Đại Dực còn nhiều núi, đồi nổi tiếng. Nằm cách thác Nặm Văm khoảng 200m ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, đồi Tình là một quần thể gồm hơn 200ha rừng thông, đây là nơi trai, gái Sán Chỉ thường hẹn hò, hát giao duyên soóng cọ.

Trong khi đó, đỉnh Thông Châu nằm ở độ cao gần 1.500m, là ranh giới 3 xã: Đại Dực (Tiên Yên), Húc Động (Bình Liêu) và Quảng An (Đầm Hà). Trên đây có mặt bằng rộng gần 6ha với bạt ngàn hoa sim và hoa mua, từ đây có thể nhìn ra biển khu vực Đầm Hà và toàn xã Đại Dực.


Giao lưu bóng đá nữ giữa người Sán Chỉ, xã Đại Dực (Tiên Yên) với người Dao, xã Hải Sơn (Móng Cái)

Nhờ trồng lúa trên các sườn đồi xung quanh xã, người dân nơi đây đã tạo ra một hệ thống ruộng bậc thang cực kỳ đẹp mắt. Đây là điểm check-in mà du khách rất ưa chuộng, ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt sau thành công của Lễ hội Văn hóa, thể thao Sán Chỉ năm 2020 với chủ đề “Mùa vàng miền soóng cọ”.

Chị Hoàng Thị Đạo, cán bộ văn hóa xã Đại Dực, cho hay: Hiện nay trên địa bàn xã còn giữ được một số ngôi nhà trình tường đất mang đậm lối kiến trúc của người Sán Chỉ. Điển hình là ngôi nhà của ông Nình A Liềng, thôn Khe Lục. Đây là ngôi nhà còn giữ được gần như nguyên trạng, với hệ thống tường rào bằng đá được xếp đặt hết sức tinh xảo.

Người Sán Chỉ ở Đại Dực có những nét văn hóa, phong tục riêng của mình. Định kỳ hằng năm, người Sán Chỉ tổ chức cúng thổ công tại miếu thôn để cầu mùa với sự tham gia đóng góp của người dân trong thôn, Trong sinh hoạt hằng ngày, người dân Sán Chỉ ở Đại Dực vẫn mặc trang phục dân tộc và sử dụng tiếng Sán Chỉ để giao tiếp.


Hệ thống ruộng bậc thang ở xã Đại Dực rất đẹp, thơ mộng

Một trong những nét văn hóa nổi tiếng và hấp dẫn nhất trong đời sống văn hóa của dân tộc Sán Chỉ là hát giao duyên soóng cọ. Đây là điệu hát thường dành cho các chàng trai, cô gái tới tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau. Lời bài hát mộc mạc, đơn giản, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa mang tính giãi bày tâm sự.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 CLB soóng cọ vẫn duy trì sinh hoạt văn nghệ; có 2 nghệ nhân được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú do có nhiều đóng góp quan trọng đối với văn hóa dân tộc Sán Chỉ. Để các hoạt động văn hóa, thể thao của dân tộc Sán Chỉ được tổ chức quy mô và nâng tầm hơn, từ năm 2018, Tiên Yên đã quyết định chọn xã Đại Dực là địa phương duy nhất tổ chức Lễ hội Văn hóa, thể thao các dân tộc Sán Chỉ trong huyện.

Văn hóa ẩm thực Đại Dực cũng có nhiều món ngon dân dã được nhiều người biết tới, như: Lợn địa phương, ngan đen, cá suối, khoai sọ, miến dong, rau cải xanh… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là gà. Gà Đại Dực được xem là ngon nhất, nhì ở Tiên Yên.

Hiện nay, tất cả trục đường chính của xã và các thôn ở Đại Dực đều đã được bê tông hóa, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho phát triển du lịch. Với một cộng đồng người Sán Chỉ vẫn giữ được bản sắc riêng và thiên nhiên thơ mộng, chắc chắn Đại Dực sẽ có cơ hội để phát triển mạnh về du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quỳnh Hương